"Bằng chứng" cả Nam Mỹ đang bị bà hỏa thiêu rụi

Google News

Màu đỏ phủ kín bản đồ Nam Mỹ, cho thấy nạn cháy rừng thực sự nghiêm trọng.

Theo Business Insider, các nhà khoa học ghi nhận đã có hơn 76.000 đám cháy diễn ra tại Brazil cho đến lúc này. Tuy nhiên, không chỉ Brazil, nạn cháy rừng còn hoành hành khắp Nam Mỹ.
 Bản đồ các vụ cháy đã xảy ra kể từ ngày 13/8 trên khắp khu vực Nam Mỹ. Ảnh: Courtesy of Global Fire Watch.
Global Forest Watch (GFW) là một tổ chức được tài trợ bởi Viện Nguồn lực Thế giới, có nhiệm vụ theo dõi các khu rừng và những vụ cháy bằng cách sử dụng dữ liệu từ vệ tinh.
Tổ chức này ghi nhận có hơn 109.000 cảnh báo cháy ở Brazil trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến ngày 23/8. Theo bản đồ do họ cung cấp thì các vệt lửa từ đám cháy cũng đã xảy ra tại nhiều khu vực khác tại Nam Mỹ.
Cụ thể, cho đến lúc này thì láng giềng của Brazil là Bolivia đã hứng chịu hơn 17.400 vụ cháy. Ở phía nam, Paraguay xảy ra 10.000 vụ và số vụ cháy tại Colombia ở phía bắc là 14.000.
Trong khi đó, mặc dù không xuất hiện trên bản đồ của GFW nhưng Venezuela đã chứng kiến số lượng vụ cháy cao thứ 2 trong năm 2019 với 26.500 vụ, bằng 1/3 so với Brazil.
Số vụ cháy tại Brazil cho đến lúc này là lớn nhất kể từ khi các nhà nghiên cứu bắt đầu việc theo dõi vào năm 2013 trong khi vẫn còn 4 tháng nữa mới kết thúc năm 2019.
 Một vụ hỏa hoạn gần Robore, Bolivia vào ngày 22/8 đã tàn phá khoảng 745.000 ha rừng và đồng cỏ. Ảnh: STR / AFP / Getty.
Kể từ ngày 15/8, đã có hơn 9.500 vụ cháy rừng mới xảy ra trên khắp Brazil, chủ yếu tập trung ở lưu vực sông Amazon. Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, số lượng vụ cháy so với cùng kỳ năm 2018 đã tăng thêm 83%.
Đa phần những vụ cháy tại Brazil đều không phải là thiên tai. Các nhà môi trường và khoa học đều có cùng nhận định con người mới là nguyên nhân chính.
“Một điều quan trọng cần phải biết về Amazon là có rất ít vụ cháy diễn ra một cách tự nhiên”, Mikaela Weisse, người theo dõi nạn phá rừng đến từ Viện Nguồn lực Thế giới nói với Vice.
Ông Alberto Setzer, nhà khoa học của Viện nghiên cứu không gian quốc gia nói với CNN có đến 99% vụ cháy ở Amazon xảy ra bởi hành động của con người “dù cố ý hoặc vô tình”.
Tổng cộng, các đám cháy đã tạo ra một lớp khói ước tính rộng 1,2 triệu dặm vuông và có thể được nhìn thấy từ vũ trụ. Hôm 19/8, lớp khói từ đám cháy ở Amazon đã lan sang tận bang Amazonas và đã phủ kín trời São Paulo, thành phố cách đó hơn 2.000 dặm.
 Hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy các đám cháy hoành hành trên khắp Brazil và lưu vực sông Amazon vào ngày 21/8. Ảnh: Maxar Technologies.
Với việc là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức độ carbon dioxide của Trái Đất.
Thực vật, cây cối hấp thụ carbon dioxide và giải phóng oxy trở lại không khí trong quá trình quang hợp. Đó là lý do Amazon, với 2,1 triệu dặm vuông, được biết tới với tên gọi "lá phổi của hành tinh" và đóng góp 6-20% lượng oxy trong bầu khí quyển của Trái Đất.
Tuy nhiên, khi có đám cháy xảy ra, thay vì sản xuất khí oxy, Amazon khi đó sẽ thải khí CO2 và làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
“Amazon đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tương lai của chúng ta, vì khả năng ngăn chặn điều tồi tệ nhất từ việc biến đổi khí hậu. Chúng ta đang nhìn vào sự hủy diệt chưa từng thấy, không chỉ của Amazon mà còn cho toàn bộ Trái Đất”, Christian Poirier, thành viên ban quản trị của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch chia sẻ với CNN.

Mời độc giả xem thêm video: Các bộ tộc Amazon học kỹ năng chống cháy rừng (Nguồn: VTC14)

Theo Anh Tuấn/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)