Hàng chục đàn vượn đen má trắng xuất hiện ở Quảng Bình

Google News

Trong quá trình khảo sát, các chuyên gia phát hiện hàng chục đàn vượn đen má trắng siki ở rừng Động Châu - Khe nước Trong, nhiều nhất trong các khu rừng ở Bắc Trung Bộ.

Ngày 27/7, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phát hiện một số loài linh trưởng tại khu vực rừng Động Châu – Khe nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) trong đợt khảo sát mới đây.
Theo đó, qua điều tra khảo sát tại khu vực rừng nói trên đã ghi nhận 58 đàn vượn đen má trắng siki tại 7 tiểu khu của vùng dự án Khe nước Trong, 2 đàn Vượn đen má trắng siki ngoài ranh giới khu vực điều tra (tại các tiểu khu 532, 539). Các chuyên gia nhận định, đây là khu vực có số lượng đàn và cá thể vượn đen má trắng siki nhiều nhất so với các khu vực khác trong vùng Bắc Trung Bộ.
Hang chuc dan vuon den ma trang xuat hien o Quang Binh
 Loài vượn đen má trắng siki được phát hiện có hàng trăm cá thể ở rừng Động Châu-Khe nước Trong. Ảnh: CTV.
Các nhà khoa học đến từ Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam còn khảo sát tại các khu rừng dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ Cầu Khỉ đến Cổng Trời và ghi nhận được 9 đàn chà vá chân nâu với số lượng khoảng từ 98 đến 108 cá thể.
Khu vực rừng Động Châu - Khe nước Trong huyện Lệ Thủy được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với tỉnh Quảng Bình quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên trong tương lai đến năm 2020, có diện tích khoảng 20.000 ha. Tổ chức bảo tồn quốc tế xác định đây là vùng đa dạng sinh học trọng điểm trong hành lang đa dạng sinh học nối giữa Việt Nam và Lào. Khu vực này được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, trong đó nhiều loài đang bị đe dọa ở mức nguy cấp và rất nguy cấp trên toàn cầu như: sao la, tê tê, mang lớn, chà vá chân nâu...
Vượn đen má trắng siki, có tên khoa học Nomascus leucogenys siki, thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm). Loài này là chi nhỏ của vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) chủ yếu sinh sống ở các khu rừng Lào giáp miền Việt Nam và khu vực rừng Bắc Trung Bộ. Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng đang sinh sống ở môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
Theo Zing

Bình luận(0)