Về việc xây dựng "Bức tường Berlin mới" dọc theo biên giới Hungary-Serbia, Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Siyyarto, nói với hãng tin Reuters: “Di trú là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay… Các nước EU đang tìm kiếm một giải pháp… nhưng Hungary không thể cho phép mình chờ đợi hơn nữa”.
|
Xây dựng "Bức tường Berlin" gần Cổng Brandenburg lịch sử.
|
Hungary quyết định theo đuổi chính sách nhập cư cứng rắn và từ bỏ việc thực thi chính sách hiện nay vốn được thông qua dưới áp lực của Liên minh Châu Âu. Trước đó, Hungary cùng một số nước khác đã bày tỏ bất bình với đề nghị của Ủy ban châu Âu về việc phân bố những người di cư từ các nước thế giới thứ ba.
Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng việc xây dựng các bức tường là không mấy tác dụng trong việc ngăn cản di cư bất hợp pháp. Tổng Giám đốc của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Liên bang Nga, nhà khoa học chính trị Andrei Kortunov dẫn ví dụ: “Bức tường giữa Mexico và Mỹ không cứu vãn được tình hình, dòng chảy những người di cư bắt đầu giảm dần chỉ khi nền kinh tế của Mexico đi lên. Cần phải tính đến thực tế là trong Liên minh Châu Âu không có đường ranh giới. Vì vậy, người di cư sẽ nhập vào lãnh thổ Hungary thông qua các quốc gia khác, những nước không có ý định xây dựng tường thành”.
|
"Vạn lý Trường thành" dọc biên giới Mỹ-Mexico cũng không ngăn nổi dòng người nhập cư vào Mỹ.
|
Gọi động thái này của chính phủ Hungary là một biện pháp dân túy, chuyên gia Kortunov nói tiếp: “Biện pháp này dễ hiểu đối với những người bình thường. Khi họ đặt câu hỏi: chính phủ đang làm gì để giải quyết vấn đề, thì khi đó trên màn ảnh truyền hình sẽ cho thấy bức tường đang được xây dựng như thế nào. Nghĩa là bằng cách đó chính phủ nói với người dân rằng họ không phải không hành động. Tuy nhiên, cuối cùng, điều đó dĩ nhiên là sự thừa nhận bất lực rằng những cách thức khác không thể giải quyết được vấn đề. Nhưng đây không chỉ là vấn đề của riêng lãnh đạo Hungary mà của cả Châu Âu”.