Nga - Trung có rạn nứt vì Kazakhstan?

Google News

Các chuyên gia cho rằng việc Nga điều quân tới Kazakhstan trong khủng hoảng vừa qua sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới quan hệ Moscow - Bắc Kinh.

Nga - Trung co ran nut vi Kazakhstan?

Nga - Trung có rạn nứt vì Kazakhstan?

“Không có cơ sở để phỏng đoán sứ mệnh gìn giữ hòa bình với quy mô hạn chế của CSTO (Tổ chức Hiệp định An ninh Tập thể) do Nga dẫn dắt sẽ có tác động tiêu cực tới quan hệ của Nga hoặc của Kazakhstan với Trung Quốc”, nhà phân tích chính trị người Mỹ ở Moscow Andew Korybko nói với Zing.

“Sứ mệnh này đảm bảo lợi ích an ninh khu vực của Trung Quốc, thậm chí còn bảo vệ các khoản đầu tư của nước này tại Kazakhstan”, ông Korybko nói.

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà ông Korybko nhắc đến là lực lượng khoảng 2.000 binh sĩ được Nga và đồng minh điều động tới Kazakhstan vào ngày 5/1 để hỗ trợ Tổng thống Kassym Jomart Tokayev dẹp bạo loạn.

Chia sẻ với nhận định trên, ông Vassily Kashin, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều có lợi ích then chốt trong việc duy trì ổn định tại Kazakhstan - nước chung đường biên giới với hai cường quốc trên.

“Tôi tin rằng việc Tổng thống Kassym Jomart Tokayev nhờ cậy Nga sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ Kazakhstan - Trung Quốc hoặc Nga - Trung”, ông Kashin trả lời Zing.

Nga và Trung Quốc đều được lợi

Với vị trí nằm giữa châu Âu và Trung Quốc, Kazakhstan là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Đây chính là quốc gia được Chủ tịch Tập Cận Bình chọn làm nơi công bố tiền đề của BRI vào năm 2013, theo South China Morning Post.

Đầu tư từ Trung Quốc vào Kazakhstan đạt mức 19,2 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2020, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Kazakhstan. Khoảng 56 dự án do Trung Quốc hỗ trợ với tổng giá trị gần 24,5 tỷ USD dự kiến hoàn thiện tại Kazakhstan trước năm 2023.

Nga - Trung co ran nut vi Kazakhstan?-Hinh-2

Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Nursultan Nazarbayev (khi ấy là tổng thống Kazakhstan) khai trương đường ống dẫn khí đốt vào năm 2013. Ảnh: New York Times.

Vì thế, khi Nga nhanh chóng đưa binh sĩ tới Kazakhstan dẹp loạn, một số nhà quan sát nhận định những diễn biến này có thể là lời nhắc nhở âm thầm với Bắc Kinh về vị thế của Moscow tại khu vực.

Trên tờ Wall Street Journal, Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Heritage Foundation (Mỹ), cho rằng sự kiện vừa qua có thể thúc đẩy Trung Quốc cạnh tranh với Nga trên vấn đề an ninh khu vực trong những năm tới.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đánh giá lại mức độ rủi ro của những khoản đầu tư của mình”, ông Cheng nói. “Trước đó, với con át chủ bài kinh tế, Trung Quốc có thể sử dụng quân bài ấy để xoay chuyển chính quyền địa phương theo hướng có lợi cho mình”.

Nhưng hiện tại, Trung Quốc sẽ phải nghĩ đến thành tố an ninh vì các khoản đầu tư của Bắc Kinh đang phụ thuộc vào lực lượng quân đội Nga, theo ông Cheng.

Tuy nhiên, ông Korybko cho rằng những sự kiện vừa qua không nên được nhìn nhận dưới góc độ một trò chơi có “kẻ thắng người thua”.

“Sự bất ổn của Kazakhstan ảnh hưởng xấu tới lợi ích của mọi bên trong khu vực”, ông Korybko nói với Zing. “Các bên đều sợ rằng tình hình bất ổn kéo dài sẽ tạo ra cơ hội chiến lược cho phần tử khủng bố lợi dụng, từ đó có nguy cơ hình thành hố đen hỗn loạn ngay giữa siêu lục địa Á - Âu”.

Nga - Trung co ran nut vi Kazakhstan?-Hinh-3

Nhà phân tích Andrew Korybko. Ảnh: Facebook/Andrew Korybko.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Vì thế, mỗi bên trong khu vực đều được lợi từ sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở quy mô hạn chế của CSTO”, ông Korybko khẳng định. “(Điều này) đã làm giảm rủi ro các thế lực khủng bố tận dụng sự hỗn loạn của Kazakhstan để làm bệ phóng gây bất ổn cho khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Kashin cho rằng Nga vẫn là nước được lợi nhiều nhất từ khủng hoảng này, vì ảnh hưởng của Moscow đối với một nước có vị trí then chốt tại Trung Á đã gia tăng đáng kể.

Nhưng theo ông Kashin, “bên thua cuộc lớn nhất là phương Tây, vì người Kazakhstan cho rằng khủng hoảng chính trị nội bộ có một phần do sự can thiệp của phương Tây”.

Hai thành tố gây ra khủng hoảng

Ông Kashin cho rằng những gì xảy ra tại Kazakhstan có hai thành tố chính, đầu tiên là tình hình kinh tế - xã hội nói chung ở mức xấu, làm phát sinh các cuộc biểu tình chủ yếu để phản đối giá cả tăng.

Thành tố thứ hai chính là mâu thuẫn trong nội bộ giới tinh hoa Kazakhstan. Mô hình chuyển giao quyền lực mà ông Nursultan Nazarbayev - người tiền nhiệm của Tổng thống Tokayev - đưa ra đã thất bại, do các đối tác của ông Nazarbayev chưa sẵn sàng chấp nhận lãnh đạo mới, theo ông Kashin.

Nga - Trung co ran nut vi Kazakhstan?-Hinh-4

Chuyên gia Vassily Kashin. Ảnh: Russian Council.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Về cơ bản, đây là xung đột giữa Tổng thống Tokayev và một số đồng minh của cựu tổng thống, một số doanh nhân quyền lực và các quan chức cảm thấy mình đang mất dần ảnh hưởng”, ông Kashin nói với Zing. “Bản thân ông Nazarbayev có sức khỏe không tốt và không đóng vai trò tích cực”.

Cả ông Korybko và ông Kashin đều nhận định tổng thống Kazakhstan đã hành động đúng đắn khi yêu cầu trợ giúp từ Nga. Nguyên nhân là ông Tokayev cần trấn an giới chức trong nước, rằng ông vẫn có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ quốc tế.

Khi bạo loạn nổ ra, ông Tokayev đã lần lượt có một số động thái như gạch tên ông Nazarbayev khỏi ghế chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia - vị trí chính thức cao nhất của ông Nazarbayev, đồng thời loại bỏ các đồng minh quan trọng của vị cựu tổng thống ra khỏi chính quyền.

Những hành động này được cho là sẽ kiềm chế quyền hạn của ông Nazarbayev và cũng là dấu hiệu thể hiện sự chia rẽ giữa vị cựu tổng thống và người kế nhiệm.

Nhưng theo chuyên gia Korybko, những gì ông Tokayev thực hiện có thể được xem là cách vị tổng thống thể hiện quyền uy trước khủng hoảng chưa từng có. Điều này không nhất thiết nhằm mục đích chọc giận ông Nazarbayev.

“Ngoài ra, làm như vậy có thể là cách để phản bác tuyên bố của lực lượng chống đối rằng ông Nazarbayev đang âm thầm đứng sau giật dây”, ông Korybko khẳng định.

Theo ông Korybko, điều quan trọng nhất lúc này đối với Kazakhstan là giải quyết gốc rễ khủng hoảng.

“Trong đó bao gồm những nỗi bất bình chính đáng trên phương diện kinh tế - xã hội và các phương diện khác”, ông Korybko nói.

Ông Kashin chỉ ra rằng cuộc bạo loạn đã thất bại, tình hình đang dịu xuống. “Chúng ta có thể sắp chứng kiến một cuộc thanh lọc chính trị, có lẽ là ở mức độ tương đối nhẹ”, ông Kashin nói.

“Hậu quả dài hạn của lần khủng hoảng này đối với Kazakhstan và khu vực phụ thuộc vào năng lực của Tổng thống Tokayev trong việc tiến hành cải cách quy mô lớn, cũng như ông từng hứa trên phương diện chính trị và kinh tế”, ông Kashin khẳng định.

Theo Quốc Đạt/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)