Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh

Google News

Giao tranh giữa Azerbaijan và các lực lượng người Armenia bước sang ngày thứ tư và đây là vụ đụng độ ác liệt nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành đàm phán.

Azerbaijan và người Armenia vùng Nagorno-Karabakh nói đã có các cuộc tấn công từ cả hai phía.

Các cuộc giao tranh đã lan rộng ra ngoài biên giới vùng tự trị, có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước từng thuộc Liên Xô cũ là Azerbaijan và Armenia.

Lien Hiep Quoc keu goi ngung ban o Nagorno-Karabakh
Một lính pháo binh người Armenia trên chiến trường Nagorno-Karabakh. 

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba, cho biết tại thời điểm này, ông chưa xem xét yêu cầu Nga trợ giúp theo hiệp ước an ninh hậu Xô-viết nhưng không loại trừ việc này.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Pashinyan nói: “Armenia sẽ đảm bảo an ninh của mình, với sự tham gia của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hoặc không”.

Ông nói ông và ông Putin chưa thảo luận về khả năng Nga can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Theo Reuters, Nga đã sử dụng CSTO, cùng với Liên minh Kinh tế Á-Âu, một tổ chức khu vực khác tập trung vào thương mại, để gây ảnh hưởng với hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nagorno-Karabakh là một khu vực ly khai bên trong Azerbaijan nhưng do người Armenia quản lý và được Armenia hỗ trợ. Vùng đất này tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc chiến vào những năm 1990 nhưng chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận là một nước cộng hòa độc lập.

Bất kỳ động thái nào liên quan đến một cuộc chiến toàn diện đều có thể kéo theo sự can dự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đồng minh thân cận của Azerbaijan.

Hàng chục người bị cho là đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi làn sóng giao tranh mới nổ ra vào Chủ nhật.

Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngay lập tức ngừng bắn ở ở Nagorno-Karabakh và khẩn trương nối lại các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết khi xung đột có nguy cơ leo thang ra ngoài khu vực.

Tối thứ Ba, cơ quan quyền lực nhất của LHQ đã lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực và ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thư ký Antonio Guterres để nối lại các cuộc đàm phán, theo tin của Guardian.

Trước đó, các nhà lãnh đạo của hai nước đã bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình, cáo buộc lẫn nhau cản trở các cuộc đàm phán.

Trong vụ việc mới nhất, Armenia nói một trong những máy bay chiến đấu của họ đã bị một máy bay chiến đấu của đồng minh Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, giết chết phi công. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều phủ nhận.

Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, nói với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossia 1 rằng Baku cam kết đàm phán một giải pháp nhưng cáo buộc Armenia cản trở quá trình này. “Thủ tướng Armenia tuyên bố công khai rằng Karabakh từng là một phần của Armenia. Như thế, chúng ta có thể thảo luận về quá trình đàm phán nào? ”, ông Aliyev nói.

Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói với đài Rossia 1: “Rất khó để nói về các cuộc đàm phán... khi các hoạt động quân sự cụ thể đang được tiến hành”. Ông nói rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột và kêu gọi một thỏa hiệp.

Theo Anh Minh/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)