Cưỡng hiếp và bạo hành: Góc khuất sau hào quang của thể thao Hàn Quốc

Google News

Trong thời gian dài, cuộc đua tranh giành huy chương tại Olympics khiến xã hội Hàn Quốc quên đi những bê bối về tấn công tình dục và bạo hành thể chất đối với các vận động viên.
 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vừa yêu cầu điều tra triệt để một loạt cáo buộc tấn công tình dục liên quan tới các nhân vật "tai to mặt lớn" trong làng thể thao nước này, theo South China Morning Post.
"Những tiết lộ gần đây về bạo lực và tấn công tình dục đã vén màn góc khuất của nền thể thao Hàn Quốc. Chúng ta không thể để lỡ cơ hội cải tổ (ngành thể thao)", ông Moon tuyên bố hôm 14/1.
Tất cả vì huy chương Olympics
Các cáo buộc xuất hiện tuần trước khi nữ vận động viên trượt băng 21 tuổi Shim Suk Hee, người từng giành 2 huy chương vàng Olympics, cáo buộc huấn luyện viên cũ đã bắt đầu lạm dụng tình dục cô khi cô mới chỉ 17 tuổi.
Cho Jae Beom, huấn luyện viên trong vụ việc, trước đó đã bị tuyên có tội do tấn công thể chất Shim và 3 vận động viên trượt băng khác. Người này phải lĩnh án 10 tháng tù giam.
Cuong hiep va bao hanh: Goc khuat sau hao quang cua the thao Han Quoc
Nữ vận động viên Shim Suk Hee sau khi rời khỏi tòa án ở Seoul. Ảnh: Yonhap. 
Thế nhưng, tổ chức Đại diện đoàn kết vì vận động viên trẻ (RSYS), một tổ chức được thành lập bởi cựu huấn luyện viên trượt băng quốc gia Yeo Jun Hyung, cho rằng vụ việc mà Shim là nạn nhân chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
RSYS cho biết đã họ xác định 6 vụ việc tình nghi có dấu hiệu lạm dụng tình dục, trong đó một nạn nhân ở tuổi vị thành niên, kể từ khi tổ chức này bắt đầu thu thập thông tin, báo cáo từ tháng 11/2018.
Những rào cản về văn hóa tạo ra tâm lý sợ hãi, khiến các nạn nhân không dám công khai lên tiếng. "Họ sợ hãi những bê bối như thế này có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thể thao của mình", ông Yeo cho biết.
Trượt băng là môn thể thao được yêu mến và ủng hộ rất lớn tại xứ sở kim chi. Hàn Quốc cũng giành được nhiều huy chương vàng về trượt băng hơn bất cứ quốc gia nào khác. Thế nhưng, thành công nào cũng có cái giá của nó.
Chung Yong Chul, giáo sư về giảng dạy thể thao tại Đại học Sogang ở thủ đô Seoul, cho rằng xã hội Hàn Quốc không thực sự quan tâm những gì xảy ra phía sau hậu trường khi cả nền thể thao nước này chạy đua vì huy chương Olympics trong quá khứ.
"Khi quốc kỳ tung bay trên nền quốc ca tại sàn đấu Olympics, tất cả những vụ lạm dụng chìm vào quá khứ và hoàn toàn bị lãng quên. Tất cả công dân Hàn Quốc chúng ta đều là đồng lõa với những tội ác không được nhắc đến này", ông Chung nhận xét.
Những nạn nhân vị thành niên
Trong bản khẩu cung cung cấp cho cơ quan công tố tháng trước, Shim cho biết huấn luyện viên Cho đã nhiều lần lạm dụng tình dục, thậm chí cưỡng bức mình từ năm 2014 khi nữ vận động viên còn ở độ tuổi trung học.
"Cô ấy thường xuyên trở thành nạn nhân của những tội ác ấy từ khi còn là thiếu niên, sự đau đón cô ấy phải chịu đựng là không thể miêu tả hết", Lim Sang Hyuk, luật sư của Shim, nói trước tòa.
Huấn luyện viên Cho tiếp tục lạm dụng tình dục Shim cho tới khoảng 2 tháng trước khi Thế vận hội mùa đông Pyeongchang khai mạc tháng 2/2018.
"Cô ấy không dám nói lên sự thật trước đó vì ông Cho đe dọa tiết lộ vụ việc có thể hủy hoại sự nghiệp thể thao của Shim", luật sư Lim cho biết.
Cuong hiep va bao hanh: Goc khuat sau hao quang cua the thao Han Quoc-Hinh-2
 Shim Suk Hee thi đấu tại Olympics Sochi 2014. Ảnh: Yonhap.
Những vụ bạo hành thể chất cũng thường xuyên diễn ra với nữ vận động viên trượt băng này. Shim cho biết vị huấn luyện viên nhiều lần đánh cô và gây ra những vết thương nghiêm trọng.
"Ông ấy thường xuyên đánh và chửi mắng tôi từ khi tôi mới lên 7, có lần ông ta dùng gậy hockey và đánh gẫy ngón tay tôi", Shim cho biết.
Một lần khác, Cho dùng gậy kim loại đánh vào trán của Shim. Vài tuần ngay trước ngày khai mạc Olympics Pyeongchang, huấn luyện viên này "đấm và đá" nữ vận động viên tàn bạo đến mức cô nghĩ "có thể chết" sau những vụ bạo hành.
Một vụ lạm dụng tương tự như vậy cũng xảy ra với Byun Chun Sa năm 2006, tài năng trượt băng khi đó mới chỉ 12 tuổi của Hàn Quốc. Byun là một trong 5 vận động viên trượt băng Hàn Quốc rời bỏ trung tâm huấn luyện trong kỳ Olympics 2006, với những cáo buộc về tấn công thể chất.
"Tôi bàng hoàng khi biết những gì từng xảy ra với chúng tôi vẫn tiếp diễn tới ngày nay", Byun trả lời kênh truyền hình JTBC hồi tuần trước.
Đối với giáo sư Chung, những bê bối về bạo lực và lạm dụng tình dục hiện tồn tại trong nền thể thao Hàn Quốc có một phần lỗi không nhỏ thuộc về các liên đoàn thể thao. Ông Chung cho rằng những tổ chức này quá khoan dung với những kẻ phạm tội.
Ông Chung chỉ ra trường hợp một huấn luyện viên tiền nhiệm của Cho. Người này từng bị buộc thôi việc năm 2014 sau cáo buộc tấn công tình dục một nữ vận động viên. Án phạt ban đầu là đình chỉ hành nghề vô thời hạn, nhưng sau đó người này được cho phép làm việc trở lại tại một cơ sở tư nhân năm 2017.
"Chúng ta không học được gì hết. Các vận động viên rùng mình sợ hãi khi nghĩ rằng dù họ có nói ra câu chuyện của bản thân, sẽ không có gì thay đổi", ông Chung cho biết.
Bề nổi của tảng băng chìm
Những cáo buộc về lạm dụng không chỉ giới hạn trong môn trượt băng mà còn xuất hiện tại nhiều môn thể thao khác.
Vài ngày sau khi Shim công bố tội ác của huấn luyện viên Cho, nữ vận động viên võ thuật 23 tuổi Shin Yu Yong đã lên tiếng tố cáo một huấn luyện viên từng nhiều lần cưỡng bức cô tại trường trung học trong giai đoạn 2011-2015. Shin cho biết người đàn ông này đề nghị đưa cho cô gần 450 USD để nữ vận động viên giữ im lặng.
Cuong hiep va bao hanh: Goc khuat sau hao quang cua the thao Han Quoc-Hinh-3
Cựu huấn luyện viên Cho Jae Beom bị cáo buộc tấn công tình dục. Ảnh: Korean Times. 
Theo các số liệu chính thức được trích dẫn trong một báo cáo công bố bởi Ủy ban Thể thao và Olympics Hàn Quốc, nhà chức trách Hàn Quốc nhận được 124 báo cáo về bạo lực thể chất và tấn công tình dục đối với các vận động viên trong 4 năm qua, với 16 vụ cưỡng hiếp.
Yeo Jun Hyung, người sáng lập tổ chức RSYS, cho rằng con số thực tế chắc chắn phải cao hơn nhiều.
"Nhiều tên tội phạm vẫn là các huấn luyện viên hoặc quan chức thể thao, những nữ vận động viên trẻ sợ hãi khi phải đối mặt với huấn luyện viên của họ. Trong bối cảnh mọi thứ vẫn đang bị che giấu, các vận động viên và gia đình thực sự gặp khó khăn để đối đầu với các huấn luyện viên", ông Yeo nhận xét.
Riêng với vụ án của huấn luyện viên Cho, tòa án Hàn Quốc đã hoãn phán quyết liên quan tới cáo buộc ban đầu về bạo lực thể chất. Phiên xử tiếp theo sẽ diễn ra trong ngày 23/1 và tòa sẽ xem xét bằng chứng liên quan tới cáo buộc tấn công tình dục mà nữ vận động viên Shim vừa công bố.
Theo Duy Anh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)