Tiết lộ 3 điềm báo “ngụy dị” trước khi Tần Thủy Hoàng băng hà

Google News

Tần Thủy Hoàng là một nhân vật mang đầy màu sắc truyền kỳ trong lịch sử Trung Hoa. Trước khi Hoàng đế băng hà, trên thiên thượng còn có rất nhiều hiện tượng kỳ bí khó lý giải.

Theo ghi chép, Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), họ Doanh, tên Chính, sinh tại Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Người đời sau quen gọi là Doanh Chính hay Tần Vương Chính. Tự xưng là “Tần Thủy Hoàng”, ông kế vị năm 13 tuổi, năm 39 tuổi thống nhất sáu nước kiến lập nên triều Tần, qua đời trong lúc đi tuần ở tuổi 49.
Tần Thủy Hoàng có công lớn thống nhất Trung Nguyên, mở ra thời đại mới cho lịch sử Trung Hoa. 
Tần Thủy Hoàng là người áp dụng chế độ quân chủ chuyên chế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, sáng lập ra chế độ “trung ương tập quyền”, thống nhất quốc gia trên nhiều phương diện, cũng là đấng quân chủ sử dụng xưng hiệu “Hoàng đế” đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Trong một đời thống nhất thiên hạ, ông xưng Hoàng đế, phế bỏ chế độ phân đất phong hầu, thiết lập quận huyện, chinh phạt Bách Việt, trục xuất Hung Nô, xây Trường Thành, thông kênh đào, đúc binh khí, di dời phú hào, chuẩn hóa giao thông, chuẩn hóa chữ viết, chuẩn hóa tiền tệ và dạng đồng tiền, thống nhất hệ thống đo lường, thành lập bộ máy quan liêu đồng bộ từ trung ương đến quận, huyện, ban hành luật pháp thống nhất, lấy pháp trị quốc.
Năm Tần Thủy Hoàng mất, nghĩa là trong vòng một năm của năm 211 TCN (Tần Thủy Hoàng 49 tuổi), liên tục xảy ra ba điềm báo lớn của thiên tượng. Sự kiện này mãi cho tới ngày nay vẫn làm con người thế gian thấy kinh ngạc khôn nguôi.
1. Huỳnh hoặc thủ tâm
Các bậc đế vương Trung Hoa tự nhận mình là “Thiên tử”, tức con trời. Bởi vậy mà các đời vua trị vì đều coi trọng việc chiêm tinh. Những hiện tượng thiên văn đặc biệt đều xuất hiện theo ý trời, là thiên ý không thể làm khác. Tư Mã Thiên trong “Sử ký” và “Tần Thủy Hoàng bản ký” ghi chép rất rõ ràng về hiện tượng “Huỳnh hoặc thủ tâm” xảy ra một năm trước khi hoàng đế băng hà. Vậy “Huỳnh hoặc thủ tâm” là hiện tượng gì?
Huỳnh hoặc thủ tâm là thiên tượng quan trọng nhất, hung hiểm nhất trong thiên tượng học của Trung Quốc cổ đại. Đó là hiện tượng sao Hỏa di chuyển đến gần ba ngôi sao Tâm Túc và dừng lại một thời gian. “Huỳnh hoặc” là cách gọi của Trung Quốc cổ đại chỉ sao Hỏa. Sao này ánh sáng lấp lánh (hỏa tinh huỳnh huỳnh), màu sắc ửng đỏ, quỹ đạo biến hóa khó xác định, bởi vậy được gọi là “Huỳnh hoặc”. Huỳnh hoặc là Phạt tinh (ngôi sao xử phạt) trong thiên tượng học, đại biểu cho binh đao loạn lạc, chết chóc tai ương. Trong tinh tướng học của Tây phương, sao Hỏa cũng đại biểu cho chiến tranh, chết chóc, Trời phạt.
“Huỳnh hoặc thủ tâm” chính là sao Hỏa ở trong phạm vi của chòm sao Tâm Túc . Đây là thiên tượng đại hung không thường phát sinh. Bởi vì sao Hỏa là “Phạt tinh” tượng trưng cho tử nạn, khi dừng lại coi giữ ở vị trí chòm sao Tâm Túc tượng trưng cho Thiên tử, thì sẽ cấu thành kiếp nạn hung hiểm của Thiên tử.
“Đại Đường Khai Nguyên chiêm kinh” nói đến thiên tượng này, ngụ ý: “Bề tôi thay đổi triều chính, vua chúa rời khỏi cung điện của mình”, “Thiên tử mất đi địa vị”, “Đại thần làm phản, mưu đồ cướp ngôi”… “Thiên Quan Thư” trong “Sử ký” có viết: “(Sao Hỏa) xâm phạm, coi giữ chòm sao Phòng, sao Tâm; vương giả ắt gặp nạn”.
Chương “Ngũ Tinh Chiêm” của sách lụa trong ngôi mộ cổ thời Hán ở gò Mã Vương thì nói rằng:  “(Sao Hỏa) gặp sao Tâm Túc, thì là áo tang, ở phương Bắc hay ở phương Nam, đều là tử vong chết chóc”. Vào thời cổ đại đây xác thực là một hiện tượng vô cùng kỳ bí. “Huỳnh hoặc thủ tâm” luôn khiến cho Thiên tử khiếp đảm rùng mình, bởi vì gần như không có ai có thể thoát khỏi kiếp nạn.
2. Thiên thạch rơi
Năm 211 TCN, sát năm vua Tần băng hà, một thiên thạch đã rơi xuống Đông Quận, một phần của lãnh thổ nước Tần, nơi tiếp giáp giữa hai nước Tần Tề, nay thuộc thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Có một điều làm người ta cảm thấy đáng sợ đó là trên thiên thạch có người khắc 7 chữ “Thủy Hoàng Đế tử nhi địa phân” (Thủy Hoàng Đế chết thì đất đai bị chia), có ý là sau khi Hoàng đế Tần Thủy Hoàng chết thì quốc gia sẽ lại xuất hiện chiến loạn, đất đai của vua Tần sẽ lại bị chia cắt, triều Tần theo đó mà diệt vong.
3. Ngọc bích rơi xuống sông rồi lại trở về
Người ta gọi đó là sự kiện “trầm bích”, nói về việc Tần Thủy Hoàng nhận lại ngọc bích đã thả xuống sông và được biết điềm gở. So với hai điềm báo trước, sự kiện này càng khiến người ta cảm thấy đáng sợ hơn. Vào mùa thu năm Tần Thủy Hoàng băng hà, có một vị sứ giả từ Quan Đông ban đêm đi ngang qua con đường “Hoa âm bình thư”.
Lúc ấy có một người tay cầm ngọc bích chặn sứ giả lại, yêu cầu sứ giả mang theo viên ngọc bích này để dâng lên vua Tần. Người này cũng nói: “Kim niên Tổ Long tử“, tức là năm nay Rồng Tổ sẽ chết. Sứ giả nghe người này nói vậy không hiểu ý là gì, khi định quay qua hỏi nguyên do thì trong chớp mắt người này đã biến mất.
Vị sứ giả nghĩ hồi lâu không nghĩ ra, bèn mang miếng ngọc về và bẩm báo vua Tần. Tần Thủy Hoàng sau khi được nghe sứ giả thuật lại, liền hiểu rằng “Tổ Long” là ám chỉ mình. Ông cho người kiểm tra lại miếng ngọc, thì bàng hoàng phát hiện ra đó chính là miếng ngọc năm 28 tuổi vua Tần thả xuống sông để tế Thủy Thần trong lúc ra ngoài tuần tra.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đột ngột qua đời tại hành cung Sa Khâu trong chuyến tuần lần thứ 5. Việc Hoàng đế băng hà được các cận thần thân tín giữ kín vì sợ thiên hạ xảy ra đại biến. Thừa tướng Lý Tư không báo quan, chở quan tài Hoàng đế trong một cỗ xe mát, ngày ngày vẫn cho người dâng cơm, bẩm báo các việc. Khi xa giá về đến Hàm Dương, Lý Tư mới phát tang, thông báo Hoàng đế đã băng hà.
Tần Thủy Hoàng băng hà sau 35 năm ở ngôi, trong đó có 24 năm làm Tần vương và 11 năm làm Hoàng đế của toàn cõi Trung Hoa. Ba sự kiện kỳ lạ nói trên đều xảy ra trong năm Thủy Hoàng qua đời, được ghi lại rõ ràng trong mục “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của cuốn “Sử ký” (Tư Mã Thiên).
Theo Kiên Định /NHDTV

>> xem thêm

Bình luận(0)