Thú chơi “chẳng giống ai” của vua Lý Cao Tông

Google News

Vua rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân. 

Vua Tự Đức, cũng đồng thời là một thi sĩ nổi tiếng thời Nguyễn. Trong Việt sử tổng vịnh, phần Đế vương, khi viết về vua Lý Cao Tông nhà Lý, ông đã nghiêm phê tiền nhân khá nặng nề: Trong thời gian tại vị, Lý Cao Tông xây dựng dinh thự không ngớt và Đế vui chơi không có chừng mực; giặc giã và trộm cướp trong nước nổi lên như ong, nhân dân đói khát khổ sở gấp bội những năm khác. Cơ nghiệp nhà Lý bắt đầu suy đốn từ đấy.
Nhận xét nghiêm khắc của một đấng quân vương dành cho đấng quân vương ở cùng địa vị “thiên tử”, là tấm gương soi chính xác đối với vị vua thứ bảy của nhà Lý.
Tượng vua Lý Cao Tông. Ảnh: Nguồn Internet. 
Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long Cán, là con trai thứ sáu của Lý Anh Tông, mẹ là Thục phi Đỗ Thụy Châu. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ (1173).
Năm 1174, Lý Anh Tông truất ngôi con cả là Lý Long Xưởng và phong Lý Long Trát làm Hoàng thái tử, ủy thác cho Tô Hiến Thành giúp đỡ. Năm 1175, Lý Anh Tông băng hà, Chiêu Linh thái hậu muốn lập con mình là Lý Long Xưởng lên ngôi, bàn tính âm mưu phế truất. Nhưng nhờ Thái uý Tô Hiến Thành kiên quyết ngăn cản, ra tay trước nên kế hoạch bị phát giác, Long Xưởng bị đuổi ra khỏi cung, Chiêu Linh thái hậu bị giam lỏng. Lý Cao Tông vẫn được tôn phò ở ngôi báu.
Khi Tô Hiến Thành tuổi già sức yếu, vì vua mới lên 7 tuổi nên trước lúc qua đời ông đã tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ Thái hậu để giúp vua. Thái hậu dù khen hay nhưng cuối cùng không theo lời, lấy Đỗ An Di là em trai của bà làm phụ chính. Và có lẽ đó là mầm mống khiến suốt 35 năm (1175 - 1210), trị vì đất nước sự nghiệp và công trạng của Lý Cao Tông để lại cho hậu thế gần như chẳng có gì. Có chăng là tiếng xấu về sự ham chơi bời, tiêu phí sản nghiệp quốc gia cho những thú vui chơi vô bổ của vua. Nào là ưa phương thuật, sự lạ, tin tài sai bảo hổ của sư Tây Vực năm Đinh Mùi (1187). Lại chăm việc thổ mộc, xây dựng cung Nghiêm Thiềm năm Đinh Tỵ (1197), dựng gác Kính Thiên năm Quý Hợi (1203)…
Tượng vua Lý Anh Tông, thân phụ Lý Cao Tông. Ảnh: Nguồn Internet.  
Đặc biệt, vua rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân, như lời Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ (…) vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực.
Cũng vì cái sự ngao du ấy, có lần vua gặp cảnh bất bình nhưng người tự coi mình là con trời ấy lại nhắm mắt làm ngơ.
Vào năm Bính Dần (1206) niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ hai theo ghi chép của Đại Việt sử lược, việc ấy xảy ra ngay tại kinh thành, khi vua 37 tuổi. Năm đó, trong nước loạn lạc đã nổi lên như trấu, mà vua thích đi chơi, nhưng đường xá không thông được, vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong, Hải Thanh ở đầm Ứng Minh, hàng ngày cùng bọn cung nữ đùa vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ thiên tử như khi vua ngự. Lại còn lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Bá quan văn võ thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói.
Một hôm, vua ngự giá đi chơi ở đầm Ứng Minh như mọi khi. Đang lúc cùng bọn hầu cận vui đùa, thì có tiếng kêu cứu từ ngoài thành vọng lại. Để ý, cả đoàn mới biết là tiếng người bị ăn cướp đang hô hoán. Mặc dù đủ cả cấm binh vây quanh đến vài lớp, tiếng kêu cứu rõ mồn một, nhưng Lý Cao Tông chỉ ngỡ ngàng một chút, rồi lại cười nói, đùa vui như trước, giả vờ không nghe thấy gì, bỏ mặc cho dân đen sức yếu thế cô chẳng có ai giúp đỡ.
Thật là:
Vui chơi nào có biết gì,
Thờ ơ phó chuyện an nguy mặc trời.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Theo Út Tẻo/Dân Việt

Bình luận(0)