Sự thật động trời về tuyển chọn hoạn quan

Google News

(Kiến Thức) - Ở Trung Quốc, từ xa xưa, việc chọn thái giám đã là một trong những chính sách đồng hóa các dân tộc thiểu số. 

Thái giám được chọn trong các bộ tộc mới được chinh phục, hay tù binh, nhằm mục đích biến đàn ông các bộ tộc cứng đầu thành các hoạn quan để thủ tiêu bộ tộc đó.
Chọn thái giám trở thành chính sách đồng hóa
Trước thời nhà Đường, thái giám thường được chọn trong các bộ tộc mới chinh phục hay tù binh. Sau đó người ta tuyển trong các bộ tộc vùng Hoa Nam như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, nơi cư trú của các bộ tộc Man và Miên. Thời đó Quảng Châu đã là một thương cảng lớn, nơi thương nhân A rập lui tới tấp nập và trở thành một trung tâm mua bán hoạn quan. 
Dưới thời nhà Đường, Phúc Kiến là nơi cung cấp nhiều thái giám nhất, vì đây là vùng đất nhiều núi non ven biển, đất đai cằn cỗi, dân cư nghèo đói, do vậy mà người ta thường bán con gái cho chốn lầu xanh, con trai thì hoạn để đem bán cho cung đình. Cao Lực Sĩ, một thái giám có thế lực thời Đường xuất thân từ bộ tộc Man Kiều ở phương Nam. Thời nhà Nguyên, thái giám được đưa từ Triều Tiên về. Hoàng đế Vĩnh Lạc đời nhà Minh có một người thiếp yêu là công chúa Nữ Châu (một bộ tộc Mãn Châu) nên thái giám thường lấy từ bộ tộc này.
Thời Mãn Thanh, các hoàng đế Mãn Châu lại tuyển thái giám là người Hán. Đây cũng là một trong những chính sách đồng hóa các dân tộc thiểu số của người Trung Hoa. Biên giới Trung Quốc càng mở rộng, các bộ tộc thiểu số bị nhập vào đế chế càng đông, thì việc biến đàn ông các bộ tộc cứng đầu thành hoạn quan là có lợi cho việc thủ tiêu các bộ tộc đó. Còn người Hán thì không sợ phải tuyệt tự.
Ảnh minh họa. 
Bí mật của việc "tịnh thân"
Những người con trai không có giới tính lúc mới sinh gọi là "đồng thanh", còn những người mất giới tính sau khi thiến thì gọi là "thanh". Hành động thiến được gọi một cách tế nhị là "thanh thân" hay "tịnh thân" (làm cho thân thể trong sạch). Thường những người bị thiến đều xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn, nên phải tìm người đỡ đầu hoặc bán cho kẻ môi giới để bọn này bỏ tiền ra thuê người thiến. Cuối thế kỷ XVIII, ở Bắc Kinh có hai chuyên gia nổi tiếng về kỹ thuật thiến, được triều đình công nhận, người ta ca ngợi kỹ thuật của họ. Trường hợp tử vong rất ít khi xảy ra. Hai người đó mang biệt danh là Tệ Ngũ và Tiểu Đao Lưu.
Người bị thiến phải nhịn ăn hai ngày, nghỉ ngơi trong một gian phòng mát mẻ. Người ta buộc chặt bụng và đùi nạn nhân vào một cái bàn hơi dốc, đầu cao hơn chân. Bộ phận sinh dục được rửa sạch bằng nước pha hồ tiêu. Người giải phẫu cầm con dao cong, hỏi câu cuối cùng: "Người có bằng lòng thiến hay không?". Nếu nạn nhân còn tỏ ra ngập ngừng thì lập tức thôi ngay, nhưng lúc đó người ta thường cho nạn nhân uống một thứ thuốc làm cho tâm thần đê mê không tự chủ được nữa (có thể là thuốc phiện). 
Sau khi nạn nhân trả lời đồng ý, người giải phẫu hạ dao cắt luôn cả dương vật, bìu và tinh hoàn, rồi đặt một ống thông vào đường tiểu tiện, cuối cùng băng lại bằng giấy bản tẩm thuốc. Người ta dìu nạn nhân đi lại trong phòng hai ba giờ rồi đặt nằm xuống. Nếu nạn nhân đi tiểu được, thì công việc giải phẫu thành công, người ta đến chúc mừng. Nói chung, vết thương sẽ lành sau 100 ngày. Người ta đưa họ về một nơi gần Hoàng cung để học việc. Một năm sau thì chính thức đưa vào cung.
(còn nữa)
Tuấn Đạt

Bình luận(1)

Minh Hiền

Lê Minh Thu

thực ra bộ tộc này có tên là Nữ Chân chứ không phải là Nữ Châu như website đã đăng