Lật tẩy âm mưu yểm bùa thâm hiểm của vị phi tần tàn độc nhất triều Trần

Google News

Vào thế kỉ XIV, hậu cung triều Trần đã một phen náo loạn bởi âm mưu bùa chú của một vị phi tần thâm độc. Cho đến nay, vẫn không ai rõ người phụ nữ này tên họ là gì.
 

Lòng ghen tỵ ngút trời vì con không được nối ngôi vương
Cho đến nay, vẫn không ai rõ người phụ nữ này tên họ là gì. Theo sách Việt sử tiêu án, bà là phi tần của Hoàng Đế Trần Minh Tông (1314-1329), được phong làm Thứ Phi với tên hiệu Triều Môn. Cuối năm 1319, Triều Môn đã hạ sinh Hoàng Tử Trần Nguyên Trác, được phong tước Cung Tĩnh Vương.
Lat tay am muu yem bua tham hiem cua vi phi tan tan doc nhat trieu Tran
Ảnh minh họa. 
Năm 1329, Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái Tử Trần Vượng (tức là Hoàng Đế Trần Hiến Tông: 1329-1341) để lên làm Thượng Hoàng. Sau 12 năm tại vị, Trần Hiến Tông băng hà khi chưa có con nối dõi. Thượng Hoàng Trần Minh Tông lúc này còn sống, đã sắc phong Thập Hoàng Tử (Trần Hạo) - con trai của Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu lên ngôi vua, tức là Hoàng Đế Trần Dụ Tông (1341-1369), lúc này mới 5 tuổi.
Chiếu chỉ này của Thượng Hoàng là một đả kích với Thứ Phi Triều Môn. Bởi theo bà, Trần Hiến Tông chết không có con nối dõi, thì theo lẽ thường, phải sắc phòng hoàng tử có thứ tự gần nhất - tức con trai bà, Trần Nguyên Trác. Trong cơn ghen lồng lộn, Triều Môn đã dùng bùa chú để nguyền rủa 3 người con của Hoàng Hậu cho hả dạ.
Âm mưu yểm bùa thâm độc
Triều Môn bí mật liên hệ với một tên đạo sĩ. Bà đã mua từ hắn một con cá bống, nhét lá bùa có ghi tên ba người con của Hoàng Hậu vào miệng nó, rồi bí mật thả xuống giếng Nghiêm Quang. Triều Môn cười thầm trong bụng, phen này Trần Hạo không sớm thì muộn cũng sẽ lìa đời, và con trai bà sẽ tại vị ở ngôi cửu đỉnh chí tôn.
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát. Âm mưu thâm độc của Triều Môn đã bị phát giác nhờ một người lính canh vô tình bắt được con cá bống dưới giếng. Hắn vội bẩm báo với Trần Minh Tông. Tận mắt chứng kiến bùa ngải, Thượng Hoàng vô cùng kinh hãi và phẫn nộ. Theo Đại Việt sử kí toàn thư kể rằng:
“Trước kia Minh Tông ngự ở Bắc Cung, có người canh cửa bắt được một con cá bống ở trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm cá có ngậm vật gì, khều ra xem thì trong ấy có chữ, tức là bùa ếm nguyền có những chữ Dụ Tông, Cung Túc, Thiên Ninh. Người canh cửa cầm cái bùa ấy tâu lên. Minh Tông hãi quá, truyền bắt hết các cung nhân, các mụ, các tì trong cung để xét hỏi”.
Chân tướng sự thật được phát giác và tấm lòng từ bi của Hoàng hậu
Tuy nhiên, Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu vốn là người nhân đức, không muốn người vô tội hàm oan, nên đã ngăn Minh Tông lại, để tự mình truy xét. Hoàng hậu sai người hỏi tên gác cổng rằng:
“Gần đây, phòng nào trong cung mua cá bống?” Hắn khai là thứ phi Triều Môn. Hoàng hậu cho Minh Tông biết. Minh Tông lập tức ra lệnh tra xét cho ra. Hoàng hậu tâu:
“Đây là việc trong cung, không nên để hở ra ngoài. Thứ phi Triều Môn là con gái của Cung Tĩnh Vương, nếu để hở ra thì Quan gia sẽ sinh hiềm khích với Thái úy. Thiếp xin ỉm việc này đi không xét hỏi nữa!”. Minh Tông khen bà là người hiền.
Tuy nhiên, khi Minh Tông qua đời, thì Trần Tông Hoắc - một kẻ cơ hội, liền đem chuyện con cá bống năm xưa kể lại với Dụ Tông, lại còn bịa đặt thêm thắt khiến vua nảy sinh ngờ vực với Thái Uý Trần Nguyên Trác, tống giam ông vào ngục. Giữa lúc tính Trần Nguyên Trác đang ngàn cân treo sợi tóc, thì Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu, nay đã trở thành Thái Hậu đã đứng ra khuyên giải Dụ Tông. Vua nghe lời mẹ, tha bổng Nguyên Trác, phục hồi tước vị, thậm chí sau còn phong làm Hữu Tướng Quốc (địa vị như Tể Tướng, cùng với Tả Tướng Quốc nắm giữ mọi việc quân dân chính trong nước).
Theo Xuân Quỳnh (Khỏe & Đẹp)

>> xem thêm

Bình luận(0)