Điểm lại những trận đại dịch chấn động lịch sử Việt Nam

Google News

Hàng nghìn năm qua, trên thế giới đã có những trận đại dịch làm chết hàng triệu người. Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng, cũng không ngoại lệ. 

Dù các trang chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam chủ yếu chỉ ghi về các cuộc binh đao, những thay đổi về chính trị, hành chính, nhưng các cuộc đại dịch cũng không hề bỏ sót.
Những đại dịch ở Việt Nam trong lịch sử
Chỉ căn cứ vào bộ sách "Đại Nam thực lục" (ĐNTL) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (Viện Sử học phiên dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội tái bản, 2007, gồm 10 tập), cũng đã thấy, suốt từ thời Gia Long đến Đồng Khánh đã có hàng trăm nạn dịch tràn qua đất nước chúng ta, đặc biệt vào thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh. Vào năm Canh Thìn (1820), khắp cả nước dịch tả hoành hành, từ Hà Tiên ra tận Bắc Hà, đến nỗi vua Minh Mạng ra các đạo dụ để cứu dân đang trong cơn hoạn nạn.
Dựa theo "Đại Nam thực lục" và một số sử liệu khác, nhà sử học Lê Thành Khôi đã thống kê: Trận dịch tả năm 1820 cả nước có 206.835 người chết; trận dịch năm 1840 có 67.000 người chết" (Xem: Lê Thành Khôi, "Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XX", Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018, trang 449). Sang thời Tự Đức, "Đại Nam thực lục" cũng xác nhận, vào hai năm 1849 -1850, cả nước cũng có đến 589.460 người chết vì bệnh dịch, trong đó Vĩnh Long có 43.400 người, Quảng Bình có 23.300 người! (ĐNTL, tập VII, các trang 148, 155).
Diem lai nhung tran dai dich chan dong lich su Viet Nam
 Ảnh minh họa. 
Theo bài ký của vua Thiệu Trị viết vào tháng 4 năm Đinh Mùi (1847) về việc kiểm duyệt hộ khẩu từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), có thể thấy, vào năm 1820 số nhân đinh cả nước (là đàn ông, từ 18 tuổi đến 59 tuổi) đã kê biên vào sổ hộ khẩu chỉ có 620.246 người.
Nếu ta thử làm phép cộng gộp cả phụ nữ với số người chưa đủ tuổi, quá tuổi, binh lính không phải kê khai vào sổ nhân đinh, thì ta có thể ước chừng dân số chung cả nước lúc này khoảng trên dưới 2 triệu người (vào khoảng 3 - 4 lần số nhân đinh được kê khai). Từ suy đoán này, ta có thể thấy: Tỷ lệ số người chết vì đại dịch vào năm 1820 là vào khoảng 1/10 dân số!
Cũng theo bài ký của vua Thiệu Trị, vào năm 1847, nghĩa là trước đại dịch thời Tự Đức chỉ hai năm, số nhân đinh kê khai được là 1.024.388 người (xem: ĐNTL, đệ tam kỷ, quyển LXVII, tập VI, trang 1003 -1004), thì theo cách suy đoán ở trên, ta có thể ước lượng dân số cả nước vào năm 1847 khoảng 3 - 4 triệu người. Nếu đúng như vậy thì đại dịch trong 2 năm 1849 - 1850 có con số tỷ lệ người chết so với dân số cả nước thật quá khủng khiếp (vì chết đến gần 590 nghìn người, tức khoảng 1/6, 1/7 dân số nước ta thời bấy giờ)!
Nhưng không phải chỉ hai lần đại dịch đó, lịch sử còn ghi chép riêng về các trận dịch khác ở từng tỉnh, thành, như: Tháng 12 năm Quý Tỵ (1833) Phú Yên có hơn 5.000 người chết vì dịch (ĐNTL, 3, tr 914); vào năm Kỷ Hợi (1839), Hải Dương có hơn 23.000 người, Bắc Ninh hơn 21.000 người chết vì bệnh truyền nhiễm; vào năm Canh Tý (1840), dịch tràn qua các tỉnh phía Bắc, làm Thanh Hóa chết hơn 2.000 người, Hưng Yên chết hơn 3.000 người, Sơn Tây chết hơn 5.000 người (ĐNTL, tập V, các trang 490, 734, 735, 748, 818)...
Những trận đại dịch càn qua Quảng Ngãi
Trong những trận đại dịch nêu trên thì dường như ít có trận dịch nào không càn qua Quảng Ngãi, vì nhiều trang sử chỉ ghi chung là: Dịch lệ có ở các tỉnh cả nước, hoặc các tỉnh ở Trung Kỳ. Nhưng cũng có những trang ghi riêng về dịch bệnh ở Quảng Ngãi. Tại Quảng Ngãi từng có những trận dịch mà "Đại Nam thực lục" có ghi chép riêng, như các trận dịch vào các năm Canh Dần (1830), năm Quý Mão (1843), đặc biệt là trận dịch từ tháng 11 năm Đinh Hợi (1887) đến tháng 6 năm Mậu Tý (1888), thời vua Đồng Khánh, Quảng Ngãi đã có 13.934 người chết.
Theo một cuốn sách lịch sử khác là "Đồng Khánh địa dư chí", được vua Đồng Khánh sai làm từ tháng 5.1887 và được hoàn thành trong khoảng thời gian từ đó cho đến mấy năm đầu đời Thành Thái, thì sách này có thống kê số hộ khẩu trong tỉnh Quảng Ngãi vào thời Đồng Khánh (1886 - 1889) là 21.788 người, trong đó chức sắc và miễn sai dịch là 4.618 người; dân nguyên tịch là 17.170 người; lính các cơ Tĩnh Man là 3.357 người (Theo "Đồng Khánh địa dư chí", bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philipe Papin, bản ebook của EFEO, trang 1503).
Nếu đây là số "hộ khẩu" thực của tỉnh Quảng Ngãi vào thời gian này, thì với số lượng gần 14.000 người ở Quảng Ngãi chết trong trận dịch 6 tháng thời vua Đồng Khánh, chẳng nhẽ là chết hết 1/3 dân số? Theo chúng tôi, có lẽ đây là số "nhân đinh", tức số đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 59, như việc kê khai nhân đinh của các triều đại trước, chứ không phải là số "hộ khẩu" (tức tất cả dân số được kê khai).
Do vậy, ở đây, lại phải thử suy ra dân số như cách tính từ số nhân đinh suy ra dân số, có thể toàn dân số Quảng Ngãi lúc bấy giờ là khoảng hơn 60.000 người. Giả sử cách suy đoán này là đúng thì trong trận dịch này, có thể đã có 1/4 dân số Quảng Ngãi đã thiệt mạng vì dịch bệnh.
Ứng xử của các triều đại với dịch bệnh
Từ những con số thống kê chưa đầy đủ và sự suy đoán từ các dữ liệu, có thể thấy số người tử vong do các bệnh dịch đậu mùa, cảm cúm, dịch tả... trong lịch sử Việt Nam vào thời nhà Nguyễn còn nhiều hơn rất nhiều. Để ứng phó, chống chọi với các dịch bệnh này, các vua nhà Nguyễn đã có những cách:
1. Điều trị cho dân bằng y học cổ truyền lẫn Tây y. Vào thời Gia Long, nhà vua cũng cho lập các sở Dưỡng tế vào năm 1811 để điều trị cho dân ở các vùng dịch (như kiểu lập bệnh viện dã chiến bây giờ) (Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, "Quốc triều chính biên toát yếu", Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 110). Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Minh Mạng đã cho hai bác sĩ người Pháp là Jean Marie Despiau và Philippe Vannier đi Macao lấy vaccin về để chủng ngừa.
Sang thời Tự Đức, vào tháng 8, năm Nhâm Ngọ, nhà vua "sai Thái y phái cửu phẩm y sinh là Nguyễn Văn Tâm đi sang Hương Cảng học phép trồng đậu của Y viện Đông Hoa" (ĐNTL, VIII, trang 533). Thời Đồng Khánh, nhà vua cũng phái quan thầy thuốc tới Sử quán (Pháp) học phương pháp trồng đậu theo lời bàn của một viên Công sứ Pháp (ĐNTL, IX, trang 406)...
Qua đoạn trích dẫn về đoạn dịch bệnh ở Quảng Ngãi vào thời Đồng Khánh nêu trên, cũng có thể thấy nhà vua đã chú trọng cho mời thầy thuốc Tây y, lẫn Đông y về chữa bệnh cho dân ở Quảng Ngãi, và cùng với đó là chế thuốc để điều trị (ĐNTl, IX, trang 331).
2. Lập đàn cầu cúng. Khá nhiều trang ghi chép trong chính sử, các vua Nguyễn, cùng với việc chăm lo nhiều thuốc thang để điều trị, thì cũng cho lập đàn cầu đảo, cúng tế, như các năm 1820, 1839, 1888... là một cách cúng "tống ôn hoàng dịch lệ" vốn phổ biến thời xưa.
3. Cấp tiền tuất, vải khâm liệm cho người chết vì bệnh dịch, giảm thuế thân, thuế ruộng và cũng đã xử trị những người cắt xén tiền tuất cho những người chết vì dịch, như trong năm 1820, 1843, 1853, 1887, 1888...
Khi lật lại những trang sử này, chúng tôi muốn nói rằng, dịch bệnh thời nào cũng có. Việc đối phó với dịch bệnh tùy thuộc vào sự chú trọng phòng dịch, chống dịch, vào trình độ phát triển của khoa học, y học, trình độ dân trí... Chắc hẳn, bằng sự văn minh, tiến bộ về nhiều mặt, tai họa vì dịch bệnh hiện nay sẽ không có hậu quả khủng khiếp như những đại dịch đã từng xảy ra trên đất nước chúng ta.
Về trận dịch thời Đồng Khánh, sách "Đại Nam thực lục" ghi chép: "Bệnh đậu và thời khí (dịch do thời tiết - NĐV) phát dữ ở Quảng Ngãi. Từ tháng 11 năm ngoái đến tháng này (tức tháng 6 năm Mậu Tý - 1888), (Quảng Ngãi) bị nhiễm bệnh chết cộng 13.934 người cả đàn ông lẫn đàn bà. Phòng thần là Nguyễn Thân đem việc tâu lên. Cho Viện Cơ mật bàn với Công sứ chọn phái quan thầy thuốc Pháp, đem cả thầy thuốc ta, người đã quen biết cách trồng đậu, đến trồng để đỡ tai hại cho dân" (ĐNTL, IX, trang 418 - 419).
TS. Nguyễn Đăng Vũ/Báo Quảng Ngãi

>> xem thêm

Bình luận(0)