Samurai có gốc từ chữ “saburau” - nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ nhưng mang tính chất quyền quý. Các nhà sử học tin rằng hình ảnh samurai nguyên bản bắt nguồn từ các
kỵ binh, bộ binh và cung binh ở Nhật vào thế kỷ thứ VI.
Sau những thất bại quân sự trước liên minh Đại Đường và Tân La, Nhật Bản phải thực thi hàng loạt các cuộc cải cách có tính chất và quy mô rộng rãi. Một trong các cuộc cải cách quan trọng là cuộc cải cách Taika của Thiên hoàng Thiên Trí vào năm 646.
Cuộc cải cách này đã đưa văn hóa tập tục của người Trung Quốc vào tầng lớp quý tộc Nhật và áp dụng chế độ chính quyền của Trung Quốc vào bộ máy quan liêu của Nhật. Một điều khoản trong bộ luật Yōrō và sau đó là bộ luật Taihō vào năm 702 yêu cầu dân chúng phải đều đặn đi tường trình nhằm phục vụ cho việc điều tra dân số.
Đây là điềm báo trước sẽ diễn ra một cuộc cưỡng bách tòng quân trên khắp đất nước. Thiên hoàng Mommu đã ban hành một điều luật mà theo đó, cứ ba đến bốn người đàn ông trưởng thành thì có một người bị sung vào quân đội quốc gia. Quân đội yêu cầu mỗi người lính tự chế tạo hay mua lấy vũ khí cho riêng họ, nhưng bù lại họ sẽ được miễn thuế và trách nhiệm công dân.
Đầu thời Heian vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX, với tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía bắc Honshū để củng cố quyền lực, Thiên hoàng Kammu đã cho quân đến đàn áp phiến quân Emishi. Tuy nhiên, đội quân của thiên hoàng đã thất thủ do thiếu kỷ luật và ý chí chiến đấu.
Do đó, Thiên hoàng Kammu bắt đầu dựa dẫm vào các thế lực địa phương, chiêu dụ họ, phong cho chức Seiitaishogun hay còn gọi tắt là shogun (tướng quân). Với đội quân tinh thông về cưỡi ngựa và bắn cung, các thế lực này trở thành công cụ đắc lực để đàn áp quân nổi loạn cho thiên hoàng.
Dù các võ sĩ này ít nhiều đều được học hành nhưng vào thời điểm lúc bấy giờ trong mắt triều đình Thiên hoàng họ chỉ là những võ phu thô lỗ thất học không hơn không kém. Cuối cùng, Thiên hoàng Kammu đã giải tán quân đội triều đình. Cũng từ đó thế lực của Thiên hoàng từng bước một suy sụp.
Trong khi Thiên hoàng vẫn còn cai trị, các thị tộc ở Kyoto đã nắm trong tay một số chức vụ quan trọng như bộ trưởng còn những người thân của họ dùng tiền mua lấy các chức quan trong tòa án. Để vơ vét của cải làm giàu và trả nợ cho mình, các quan tòa này thường xuyên đánh thuế nặng nề, khiến cho nhiều nhà nông mất hết ruộng đất.
Trước sự đe dọa của nạn trộm cướp ngày càng tăng, các thị tộc bắt đầu tuyển mộ những người tha hương trên vùng đồng bằng Kanto, huấn luyện họ kỹ càng về võ thuật và đào tạo họ trở thành đội ngũ lính canh rất thiện chiến. Một số người có nhiệm vụ hộ tống các quan thu thuế.
Sự hiện diện của họ thôi cũng đủ cho vị quan thu thuế này an toàn trước bọn trộm cướp. Những người này bắt đầu được gọi là những “Samurai” hay những thị vệ có vũ trang. Sau đó, lực lượng đầy tớ này nhanh chóng trở thành một thế lực vũ trang độc quyền. Thông qua những hợp đồng bảo vệ và các cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị, họ dần dần giành được thế lực trong giới chính trị. Cuối cùng, lực lượng này còn qua mặt cả giai cấp quý tộc truyền thống.
|
Tranh vẽ nữ tướng Tomoe Gozen.
|
Sau thế kỷ XI, người ta kính trọng các samurai là người có học thức, giáo dục và “văn võ song toàn” hay “bút và kiếm là một”. Tên gọi ban đầu của các chiến binh là “Uruwashii” - nghĩa là một chữ kanji bao gồm ý nghĩa “văn chương” và “nghệ thuật quân sự”. Điều này đã được nhắc đến trong tác phẩm Heike Monogatari xuất hiện vào cuối thế kỷ XII.
Heike Monogatari kể về cái chết của Taira no Tadanori, vị kiếm khách và nhà thơ kiệt xuất trong truyền thuyết như thế này: “Dù là bạn hay kẻ thù, ai cũng phải nhỏ lệ nơi tay áo tiếc thương cho ông mà thốt lên rằng: 'Tiếc thay! Tadanori là một vị tướng vĩ đại, tinh thông cả kiếm thuật và văn thơ, có thể nói là văn võ song toàn”.
Một nhà văn sau này đã nhận định rằng: “Mỗi người lính trong tác phẩm Heike Monogatari đều là chân dung tiêu biểu của các chiến binh có học thức của thế hệ sau này và hình tượng lý tưởng của họ không phải là quá xa để vươn tới.
Vì vậy, đây là cái đích mà các chiến binh cấp cao trong xã hội luôn đeo đuổi, được xem là hình ảnh đặc trưng của tầng lớp quân nhân Nhật Bản. Với Heike Monogatari, hình ảnh người chiến binh Nhật Bản trong văn học đã được phát triển đến mức hoàn thiện”.
Từ việc chỉ là tay sai của các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc, các chiến binh này dần dần từng bước giành lấy quyền lực để lật đổ tầng lớp thống trị và lập ra chính quyền thống trị Samurai đầu tiên trong lịch sử. Khi các quý tộc địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, lương thực, khí giới, họ liên minh với nhau với một tổ chức có phân cấp bậc, địa vị rõ ràng, đứng đầu là toryo (thủ lĩnh).
Người thủ lĩnh này đặc biệt phải là họ hàng xa của Thiên hoàng hay ít nhất cũng thuộc một trong ba dòng họ quý tộc là Fujiwara, Minamoto và Taira. Ban đầu các thủ lĩnh được triều đình phong làm quan phủ ở các tỉnh lỵ trong thời hạn bốn năm.
Nhưng sau khi mãn nhiệm kỳ các thủ lĩnh chẳng những không quay về kinh đô mà còn đem chức quan đó ra làm một thứ tài sản thừa kế cho thế hệ sau (theo kiểu cha truyền con nối) để tiếp tục lãnh đạo quý tộc địa phương đàn áp các cuộc nổi loạn trên khắp nước Nhật vào khoảng giữa và cuối thời Heian.
Nhờ binh lực hùng mạnh và tài lực vững chắc, đội quân của các quý tộc sau cùng đã trở thành một thế lực quân đội mới của triều đình. Quyền lực của họ đã được củng cố vững chắc sau cuộc nổi loạn Hōgen vào cuối thời Heian. Và cũng từ đó mà dẫn đến hậu quả là sự đối đầu của hai gia tộc thù địch nhau Minamoto và Taira trong cuộc nổi dậy Heiji vào năm 1160.
Sau nhiều chiến thắng vang dội, tướng Taira no Kiyomori trở thành chiến binh đầu tiên vươn tới chức thiên hoàng quân sư, thậm chí nắm trong tay chính quyền trung ương. Ông đã lập ra chính quyền thống trị samurai đầu tiên và biến Thiên hoàng thành một đấng quân vương bù nhìn.
Dù vậy, dòng họ Taira vẫn tỏ ra khoan hòa, thận trọng trong quan hệ với dòng họ Minamoto. Thay vì mở rộng và củng cố quân đội của mình, dòng họ Taira đã áp dụng chiêu “mỹ nhân kế”, tức là đưa những phụ nữ trong gia tộc tiến cung và lợi dụng họ giành lấy quyền hành từ tay thiên hoàng. Hai dòng họ Taira và Minamoto lại tiếp tục đối đầu nhau vào năm 1180 với chiến tranh Genpei và kéo dài đến năm 1185.
Chiến thắng của Minamoto no Yoritomo đã cho thấy sự thất bại của quý tộc trước các chiến binh samurai. Năm 1190, Yoritomo đến Kyoto và đến năm 1192 thì trở thành Seii Taishogun. Ông thành lập chế độ Mạc phủ Kamakura. Mạc phủ Kamakura dời đô từ Kyoto về Kamakura, gần căn cứ quân đội của ông.
Bakufu có nghĩa là “chính quyền lều trại”, bởi hiện thời chính quyền mang tính chất là chính quyền quân sự và quân đội đều sống trong các khu lều trại. Thời gian qua đi, dòng dõi samurai trở thành các chiến binh quý tộc (buke), trên danh nghĩa chỉ thuộc quyền cai quản của quý tộc triều đình.
Khi các samurai bắt đầu học các thú tiêu khiển theo kiểu quý tộc như thư đạo, thi ca... thì các nhà quý tộc, ngược lại, bắt đầu sống theo kiểu samurai. Trải qua hàng loạt mưu đồ và những thời đại trị vì ngắn ngủi của các vị hoàng đế khác nhau, quyền lực thật sự giờ đây nằm trong tay các shogun và các samurai.
Phần lớn Samurai (trong thời kỳ Edo) gắn liền với quy tắc danh dự gọi là võ sĩ đạo và luôn là những người làm gương cho cấp dưới. Một phần đáng chú ý của quy tắc võ sĩ đạo là luật tự mổ bụng hay còn gọi là hara-kiri. Quy tắc này cho phép một samurai bị hạ nhục phục hồi danh dự cho mình bằng cái chết.
Tuy nhiên, quy tắc Võ sĩ đạo được viết ra trong thời bình và đã không phản ánh trung thực tính chất chiến binh của một Samurai. Trong khi vẫn tồn tại những cách hành xử của samurai mang tính chất huyền thoại, những nghiên cứu về Võ gậy Nhật Bản và Võ đạo Nhật Bản đã cho thấy trên chiến trường, samurai cũng là những chiến binh như bao chiến binh khác.
Mặc dù được gắn với quy tắc Võ sĩ đạo, trên thực tế, samurai vẫn có những người không trung thành, phản bội hèn nhát hoặc dũng cảm, quá trung thành. Samurai thường trung thành đối với cấp trên trực tiếp của họ, những người sẽ gắn liền lòng trung thành với những lãnh chúa cao hơn.
Sự trung thành với lãnh chúa cao hơn thường thay đổi. Ví dụ như, những lãnh chúa cấp cao dưới quyền Toyotomi Hideyoshi được phục vụ bởi những samurai trung thành. Nhưng một số lãnh chúa phong kiến có thể chuyển sự ủng hộ qua Tokugawa, mang theo những samurai trung thành với họ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp samurai sẽ bất trung với lãnh chúa hoặc đại lãnh chúa, khi lòng trung thành đối với Thiên Hoàng cao cả hơn. Một khả năng huyền thoại của samurai là song đấu tâm lý - một kỹ thuật tâm lý để kiểm tra sức mạnh tinh thần của kẻ địch mà không phải đánh nhau.
Hai người tham chiến (phải cùng là samurai, hoặc ở đẳng cấp ngang nhau) nhìn chằm vào nhau, không chớp mắt trong yên lặng, không cử động cơ thể, cho đến khi một trong hai phải thất bại (mặc dù cũng có những câu chuyện, tuy rất hiếm là cả hai cùng thất bại một lúc).
Nữ samurai hiếm hoi thành nữ tướng oai hùng
Samurai vốn được dùng để nói đến những nam võ sĩ. Tuy nhiên, trong lịch sử Nhật Bản cũng đã xuất hiện nữ samurai nữ và đặc biệt, tên tuổi của họ đã được lưu danh sử sách với những chiến công lớn. Trong những nữ samurai ở xứ sở mặt trời mọc phải kết đến nữ tướng Tomoe Gozen - vợ của tướng quân Minamoto No Yoshinaka thuộc triều đại Heian, thế kỷ XII. Từ Gozen luôn đính kèm sau tên bà không phải là họ mà là một cách dùng kính ngữ, một từ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế cao trong xã hội.
Theo sách sử, Tomoe Gozen là một người phụ nữ có vẻ đẹp thanh tú với làn da trắng và suối tóc đen dày, sống vào khoảng cuối thế kỉ XII, đầu thế kỉ XIII. Sở hữu một vẻ ngoài xinh đẹp, tha thướt song Tomoe lại là một trong số ít những phụ nữ của Nhật Bản xưa trở thành Samurai. Truyện kể Heike cho biết, Gozen là một nữ cung thủ với tay gươm đầy sức mạnh và có phần vượt trội so với nam giới.
Ngoài ra, bà còn là một kỵ sĩ gan dạ mà không có một con ngựa chứng nào hay một địa hình gồ ghề nào có thể làm bà chùn bước và kỹ năng kiếm thuật cùng cung thuật của bà cũng rất cao siêu.
Nhiều lần bà xông pha chiến trận, tả xung hữu đột, đánh bại nhiều danh tướng dày dạn trận mạt, do đó trong trận chiến cuối cùng, khi tất cả những chiến binh khác đã bị giết hoặc bỏ chạy, Tomoe trên chiến mã của mình vẫn còn trụ lại trận địa cùng sáu người khác.
Sách sử ghi lại rằng, bà luôn xuất hiện với dáng vẻ thật gan dạ phi thường và võ thuật tinh anh, là cánh tay phải đắc lực để hỗ trợ bên cạnh các trận chiến của chồng mình: “Tomoe đặc biệt xinh đẹp,với làn da trắng, mái tóc dài vô cùng quyến rũ. Cô cũng là một cung thủ vô cùng mạnh mẽ, là kiếm sĩ giỏi và là một chiến binh sẵn sàng đối đầu với những con quỷ.
Cô xử lý ngựa không chùn tay với các kỹ năng tuyệt vời. Bất cứ khi nào có một trận chiến sắp xảy ra, thì Yoshinaka (chồng của Tomoe) đều cử cô là đội trưởng đầu tiên của mình. Cô ấy khoác lên mình bộ áo giáp mạnh mẽ, thanh kiếm lớn và một cây cung hùng mạnh.
Cô đã có những hành động dũng cảm hơn bất kỳ các chiến binh nào khác…”. Tomoe Gozen đã trải qua chiến tranh Genpei, cuộc chiến đầu tiên nổ ra giữa các dòng họ samurai. Trong một trận đánh, bà chặt đầu một samurai đối thủ - kì tích mà ít người làm được.
Sử sách chép lại câu chuyện về trận chiến oai hùng của Tomoe rằng: “Bây giờ họ đã tổn thất nặng nề nhưng trong số những người sống sót, Tomoe vẫn giữ vững trận địa của mình. Kiso (em họ của chồng Tomoe cũng là kẻ thù của chồng Tomoe) cảm phục trước sự dũng cảm của vị nữ tướng xinh đẹp, ông đã muốn tha mạng cho cô.
Vì ngươi là phụ nữ, tốt hơn bây giờ ngươi hãy tìm đường trốn thoát. Ta đã sẵn sàng để chết bởi tay kẻ thù hay do chính tay ta, nhưng Kiso Yoshinaka sẽ nhục nhã đến thế nào nếu trong trận chiến cuối cùng, ta chết cùng một phụ nữ?
Tuy nhiên, mặc cho những lời mạnh mẽ đó, Tomoe vẫn không từ bỏ, với một tinh thần chiến đấu ngoan cường, cô trả lời: “A, với những chiến binh dũng cảm chiến đấu cùng ta, ngài Kiso có lẽ sẽ thấy cái chết của ta vinh quang đến thế nào!”. Tomoe thu hút kẻ thù sang một phía và chờ đợi.
Lúc đó, Onda no Hachiro Moroshige của Mushashi, một samurai dũng cảm và khỏe mạnh, cưỡi ngựa tiến về phía cô cùng ba mươi cận vệ. Không chút do dự, Tomoe lập tức lao thẳng vào đội hình kẻ thù, nhảy bổ lên người của Onda và vật lộn với hắn, kéo hắn xuống ngựa. Sau đó cô giữ chắc đầu Onda bên yên ngựa và cắt đầu hắn. Sau khi lấy được thủ cấp Onda, Tomoe cới bỏ áo giáp và cưỡi ngựa về các thị trấn phía đông”.
Có những phiên bản khác nhau về cuộc đời của Tomoe sau trận đánh cuối cùng của mình. Có chuyện kể lại rằng, sau trận đánh Awazu vào năm 1184, Tomoe đã giết chết Uchida Ieyoshi rồi từ bỏ thanh kiếm của mình. Nhưng cũng có câu chuyện lể rằng Tomoe đã bị đánh bại bởi Wada Yoshimori và phải trở thành vợ của samurai này. Sau khi Wada qua đời, Tomoe đã trở thành một nữ tu ở Echizen. Chính những câu chuyện khác nhau này khiến cho sự thật về Tomoe càng trở nên bí hiểm hơn.
Ngày nay, người dân ở Kyoto vẫn lưu truyền các điển tích qua những vở kịch về Tomoe tại các lễ hội truyền thống ở địa phương. Độc đáo ở chỗ, người đóng vai vị chiến binh nữ quả cảm này lại thường là các geisha danh tiếng tại vùng đất Kyoto, vốn nổi danh nhất đất Phù Tang bởi truyền thống phát triển và lưu truyền nghiệp
Geisha của mình.
Hình ảnh của
nữ tướng Tomoe cũng trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều các tác phẩm thuộc các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Trong các tác phẩm văn học, thơ, kịch cũng như truyện tranh của Nhật Bản, hình ảnh của nữ tướng Tomoe luôn xuất hiện với dáng vẻ cuốn hút đặc biệt.
Đó là bởi Tomoe đã kết hợp được vẻ duyên dáng của phụ nữ với sự anh dũng phi thường của một samurai nữ mang trong mình sứ mệnh bảo vệ, vốn chỉ thuộc về phái nam. Cũng chính bởi vậy, khi đứng bên cạnh những chiến binh Samurai oai dũng, Tomoe và những Samurai hiếm hoi nữ của xứ sở mặt trời mọc vẫn tiếp tục là những huyền thoại bí ẩn.