Chuyện thú vị về hai thầy giáo nổi danh thời Trần

Google News

(Kiến Thức) - Nhắc đến những nhà giáo nổi tiếng thời Trần, bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An là người được đời biết đến nhiều hơn cả. Tuy nhiên, ngoài Chu Văn An, thời Trần còn để lại tên tuổi của nhiều vị danh sư khác như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Lê Văn Hưu, Trần Cụ… 

Trong số đó thì Lê Phụ Trần và Trần Cụ là hai nhà giáo sống cách nhau chừng nửa thế kỷ, đều được giao trách nhiệm rèn cặp Thái tử. Mỗi người có tính cách và tài năng riêng, nhờ vậy đều trở thành các bậc “sư phó” nổi danh đương thời.
Lê Phụ Trần – từ dũng tướng đến thầy dạy của Hoàng đế tương lai
Lê Phụ Trần tên thật Lê Tần, người Ái Châu (Thanh Hoá), thuộc dòng dõi Lê Đại Hành. Lê Trần sinh và mất năm nào không rõ, đã từng phụng sự hai đời hoàng đế là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Năm 1258, giặc Mông-Nguyên xâm lược Đại Việt. Hoàng đế Trần Thái Tông đích thân cầm quân chặn giặc tại Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Thế giặc quá mạnh, quân Trần sắp không đương nổi. Trần Thái Tông nhìn quanh, chỉ thấy Lê Tần vẫn đang “cưỡi ngựa một mình ra vào trận giặc, sắc mặt như thường” (Đại Việt sử kí toàn thư). Có người khuyên Thái Tông nên ở lại giám trận, riêng Lê Tần một mực khuyên can hoàng đế mau rút lui để chờ cơ hội phản công. Khi Trần Thái Tông quyết định lui binh, Lê Tần lại chỉ huy quân sĩ chặn hậu. Quân giặc đuổi theo bắn tên như mưa, Lê Tần phải lấy ván thuyền làm khiên che chở cho hoàng đế. Sau trận này, ông được Thái Tông cho theo bên cạnh, được dự bàn nhiều việc cơ mật.
Một thời gian sau, quân Trần tổng phản công và quân Mông-Nguyên bị đánh bật khỏi nước ta. Đất nước trở lại thanh bình. Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm ấy, Hoàng đế Trần Thái Tông tổ chức lễ mừng công ban thưởng cho các tướng sĩ. Trần Thái Tông xúc động nói với Lê Tần: “Trẫm không có khanh thì làm gì được có ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này”. Lê Tần được phong làm Ngự Sử Đại Phu (chức quan có quyền can gián nhà vua, tố cáo lỗi lầm của các quan) và được ban tên mới là Lê Phụ Trần (người họ Lê có công giúp rập nhà Trần). Sau đó, ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Ông đã khéo léo tranh biện khiến nhà Nguyên (kẻ vừa thua trận trước đó) phải chấp nhận cho nước ta cứ 3 năm sang dâng cống phẩm một lần.
Trong năm này, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng. Tân quân là Trần Thánh Tông vì thưởng thức kinh nghiệm trận mạc và huấn luyện binh sĩ của Lê Phụ Trần nên đã phong ông là Thuỷ Quân Đại Tướng Quân, nắm quân thuỷ trong tay.
Năm 1274, Trần Thánh Tông lập Hoàng tử Trần Khâm làm Thái tử. Bước ngoặt cuộc đời của Lê Phụ Trần cũng bắt đầu từ đây. Ông được thăng chức Thiếu Sư, kiêm chức Sừ Cung Giáo Thụ, chịu trách nhiệm chính dạy dỗ Thái tử. Từ ngạch quân sự chuyển sang lĩnh vực giáo dục, nhất là trực tiếp dạy bảo, rèn giữa người kế vị tương lai, Lê Phụ Trần cho thấy ông là người văn võ toàn tài, có đủ mô phạm và kiến thức để trở thành một nhà giáo được triều đình tin tưởng. Từ dũng tướng trở thành nhà giáo, cổ kim không mấy ai được như ông.
Chuyen thu vi ve hai thay giao noi danh thoi Tran
Lê Phụ Trần từ dũng tướng trở thành thầy giáo của Thái tử (Hình minh hoạ).  
Nhà giáo Lê Phụ Trần dốc lòng giáo dục Thái tử Trần Khâm. Về sau, người học trò của ông đã trở thành vị minh quân Trần Nhân Tông nức tiếng của vương triều và đất nước, được sử sách đặc biệt ngợi khen: “Nhân Tông được tinh anh của thánh hiền, có tướng mạo của thần tiên; thể chất hồn hậu hoàn toàn, nhân từ hoà nhã giản di; xuống chiếu chẩn cấp người nghèo mà lòng nhân cố kết; chọn tướng chống cự nhung địch mà giặc Nguyên dẹp yên; sự nghiệp trùng hưng rực rỡ thiên cổ, đủ làm một bậc vua hiền của nhà Trần” (Việt giám thông khảo tổng luận).
Trần Nhân Tông có được công nghiệp và đức nghiệp như vậy, không thể không ghi nhận công lao đào tạo to lớn của nhà sư phạm, bậc danh tướng Lê Phụ Trần.
Trần Cụ – người thầy thông minh đa tài của Hoàng đế Trần Minh Tông
Trần Cụ người tỉnh Hưng Yên ngày nay. Dưới triều Trần Anh Tông, ông giữ một chức quan nhỏ (Độc bạ). Phẩm hàm thấp nhưng ông sớm được triều đình chú ý bởi các đức tính đáng quý cùng sự thông minh đa tài. Sách Đại Việt sử kí toàn thư cho hay, ông là người khoan hậu, cẩn thận, thật thà, có biệt tài đánh đàn, bắn nỏ và đá cầu. Với mỗi ngón nghề, ông đều có những phát kiến và quan điểm khá độc đáo. Cũng sách trên chép rằng:
“(Trần) Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy. Có người hỏi cớ làm sao, (Trần) Cụ trả lời: “Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?”.
(Trần) Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bong lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.
Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. (Trần) Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: ”Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”.
Nhà ông ta ở và thuyền ông ta đi, đều có hai cửa đối nhau, xếp đặt, bày biện các thứ cũng cân đối và phải ngay ngắn, vì là bản tâm như vậy, cho nên biểu hiện ở mọi việc làm cũng như vậy…”.
Hoàng đế Trần Anh Tông rất tán thưởng phẩm chất và tài năng của Trần Cụ. Năm 1305, Anh Tông lập Hoàng tử Trần Mạnh làm Thái tử. Trần Mạnh lúc ấy mới 5 tuổi, vì thế, Anh Tông muốn tìm người đủ tài năng và đức độ để dạy cho Thái tử. Và rồi ông đã cất nhắc Trần Cụ vào hàng sư phó, cùng các bề tôi khác lo việc giáo dục Thái tử.
Chuyen thu vi ve hai thay giao noi danh thoi Tran-Hinh-2
Trần Cụ, người thầy giàu tài năng và đức độ của Trần Minh Tông. (Hình minh hoạ).  
Trần Cụ dốc hết tâm huyết dạy bảo vị thái tử nhỏ tuổi. Đó thực sự là quá trình đào tạo rất công phu. Thái tử sau này lên ngôi tức là Trần Minh Tông, đã trở thành một vị hoàng đế khiêm tốn hoà nhã, thông minh quyết đoán, giỏi việc cầm quân, có nhiều chính sách trị nước tích cực và biết cách rèn giũa các hoàng tử thành người hữu ích. Trong sự kết tinh tài năng và trí tuệ nơi Hoàng đế Trần Minh Tông có phần đóng góp không nhỏ của nhà giáo họ Trần.
Nguyễn Thanh Tuyền

>> xem thêm

Bình luận(0)