Lật lại cái chết khó hiểu của Pharaoh Ramesses III

Google News

(Kiến Thức) – Theo kết quả phân tích pháp y, vua Ramesses III bị cắt cổ họng trong cuộc đảo chính hoàng gia do con trai và một trong hai người vợ thực hiện.

Thông qua kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT), các chuyên gia phát hiện một vết thương nghiêm trọng ở cổ họng của xác ướp Pharaoh Ramesses III ngay phía dưới thanh quản. Họ suy đoán rằng, vị vua Ai Cập vĩ đại cuối cùng có thể bị một vật sắc bén hay vết cắt gây ra. Vết thương rộng gần 7 cm và kéo dài đến gần các đốt sống cổ và cắt tất cả các mô mềm trên mặt trước của phần cổ.

"Theo kết quả nghiên cứu, tất cả các cơ quan ở phần cổ như khí quản, thực quản và các động mạch chủ đều bị cắt đứt", người đứng đầu nhóm nghiên cứu Ai Cập và châu Âu là Albert Zink đồng thời là nhà nghiên cứu các loại bệnh thời cổ đại tại Viện xác ướp và người băng thuộc Học viện Châu Âu Bolzano ở Italy cho biết điều đó trong mục những vấn đề thời đại của tạp chí Y học Anh.  

Ông Zink tiết lộ thêm, độ rộng và sâu của vết thương cho thấy vua Ramesses III chết ngay tức khắc khi bị ám sát.

Vị Pharaoh thứ hai của triều đại thứ 20, Ramesses III đã trị vì Ai Cập từ khoảng năm 1188-1155 trước công nguyên. Oong được coi là vị vua có ảnh hưởng lớn cuối cùng của vương quốc mới. Khi mất, Ramesses III khoảng 65 tuổi, nhưng nguyên nhân cái chết của vị vua này chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Những tài liệu cổ mô tả vua Ramesses III là “Chúa vĩ đại” và là một nhà lãnh đạo quân sự đã bảo vệ Ai Cập khỏi sự xâm lược liên tục của một nhóm dân tộc mà người Ai Cập gọi là “Những tộc người biển”.

Trong số những tài liệu cổ, một số thông tin viết trên giấy Papyrus của thành phố Turin có ghi rằng, năm 1155 trước công nguyên, những thành viên trong gia đình hoàng gia Ramesses III đã lập âm mưu ám sát vị vua này giống như một phần của cuộc đảo chính nhằm thay đổi người kế vị.

Theo thông tin từ tài liệu đó, cuộc đảo chính trên đã thất bại nhưng việc ám sát vị Pharaoh vĩ đại có thành công hay không thì không hề được đề cập một cách rõ ràng.

Một số tài liệu khác khẳng định, vụ ám sát nhà vua đã thành công. Trong khi đó, có những tài liệu ám chỉ, vua Ramesses III vẫn sống sót trong một khoảng thời gian ngắn sau vụ chính biến đó.

 Các nhà khoa học cho rằng, vua Ramesses III đã bị cắt cổ họng.

Tài liệu trên cũng đề cập đến 4 vụ xử án tách biệt và liệt kê các hình phạt dành cho những người liên quan đến âm ưu ám sát nhà vua Ramesses III trong đó có hoàng hậu Tiye – một trong 2 người vợ của Pharaoh vĩ đại quá cố cùng với con trai của bà là hoàng tử Pentawere.

Để giải được câu đố 3.000 năm tuổi này, nhà nghiên cứu Zink và đồng nghiệp của ông đã tiến hành phân tích pháp y và nhân loại học trên xác ướp của vua Ramesses III cũng như những dấu vết còn sót lại của một xác ướp thanh niên trẻ tuổi được chôn ngay cạnh thung lũng của những vị vua Ai Cập.

Người đàn ông chưa được xác định danh tính trên tạm gọi là E có vòm miệng mở rộng và khuôn mặt méo mó. Người ta hoài nghi đó là xác ướp của hoàng tử Petawere.

Thông qua ảnh chụp X-quang và những bài kiểm tra DNA xác ướp bí ẩn trên, các nhà khoa học, chuyên gia đã phát hiện ra một số kết quả quan trọng. Hiện xác ướp trên được cất giữ, bảo quản tại bảo tàng Ai Cập.  

Các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy một lá bùa hình mắt Horus được dán vào vết thương ở cổ của vua Ramesses III. Lá bùa này tượng trưng cho sức mạnh hoàng gia, sự bảo vệ và sức khỏe tốt.

“Rất có thể các nhà ướp xác Ai Cập cổ đại đã cố gắng làm lành vết thương ở cổ của vị Pharaoh trong quá trình ướp xác bằng cách thêm vào lá bùa. Nó thường được sử dụng với mục đích chữa lành vết thương và được che chắn phần cổ với nhiều lớp vải lanh dày ở trang phục của Ramesses III”, các nhà nghiên cứu cho hay.

Cũng có suy luận rằng, cổ của vua Ramesses III bị cắt sau khi ông chết. Tuy nhiên, ông Zink và các đồng nghiệp cho rằng, suy luận này không hợp lý.

“Không có tài liệu nào của người Ai Cập cổ đại mô tả việc các nhà ướp xác đã cắt cổ xác chết”, nhóm nghiên cứu của Zink cho hay.

Kết quả phân tích DNA cũng cho thấy, vua Ramesses III và xác ướp bí ẩn E có cùng nhiễm sắc thể Y và 50% gen di truyền trùng khớp nhau. Do đó, họ nghi ngờ hai người có quan hệ huyết thống cha con.

Theo tài liệu luật pháp cổ của thành phố Turin, hoàng tử Pentawere bị tòa tuyên bố có tội do vạch âm mưu ám sát vua cha. Sau đó, hoàng tử này đã tự sát.

Các nhà khoa học xác định xác ướp E tầm 18-20 tuổi, có màu hơi đỏ và rất lạ. Nó được bọc bằng da dê, một loại vật liệu được cho là sự ô uế theo nghi lễ của người Ai Cập cổ đại.

Nhà nghiên cứu Zink cho biết: “Những người ướp xác xử lý thi hài E rất tệ và quá sơ sài”.

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu của ông Zink cũng nghi ngờ E bị bóp cổ đến chết bởi có nhiều phần da bị nếp gấp và nhăn ở xung quanh cổ.

“Tuy nhiên, do không phát hiện đủ bằng chứng E bị bóp cổ, như gãy xương thanh quản và sự hình thành khí trong cơ thể do quá trình phân hủy tạo ra nên chúng tôi không thể đưa ra một kết luận rõ ràng về nguyên nhân cái chết của người đàn ông bí ẩn trên”, nhóm nghiên cứu của ông Zink cho hay.

Họ nói thêm rằng, xác ướp bọc trong da dê có thể là một trong những quy định của sự trừng phạt đối với thành viên hoàng gia Ai Cập phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng. Thật vậy, xác ướp E đã không được chôn cất theo nghi thức hoàng gia.

"Theo kết quả kiểm tra DNA, chúng tôi tin rằng người đàn ông E có quan hệ di truyền với vua Ramesses III. Khả năng đó chính là hoàng tử Pentawere – con trai của Pharaoh vĩ đại này", các nhà nghiên cứu kết luận.

Nhà Ai Cập học Susan Redford công tác tại Đại học Pennsylvania là tác giả của cuốn sách “Âm mưu hoàng tộc: Kẻ giết hại vua Ramesses III" cũng đồng ý với kết luận của nhóm nghiên cứu. Bà tin rằng, xác ướp E chính là hoàng tử Pentawere.

"Một trong những điều khiến tôi băn khoăn đó là trong các tài liệu cổ xưa có đề cập đến hoàng tử Pentawere tự sát vì tội lỗi mình gây ra. Vì vậy, ông ấy không thể tự bóp cổ mình nghẹt thở đến chết. Do đó, chúng ta cần làm rõ điểm nghi vấn này”,  nhà sử học Redford chia sẻ.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Nhật Anh (theo Discovery)

Bình luận(0)