Sự thật TP HCM, Đồng Nai “tranh chấp” địa giới... dân khổ ải?

Google News

(Kiến Thức) - Hàng chục năm tranh chấp địa giới hành chính giữa TP HCM và Đồng Nai khiến xã Thạnh An chậm được công nhận xã đảo. Đời sống hàng nghìn người dân khổ ải. Tháng 6/2020, việc tranh chấp kết thúc, Thạnh An được công nhận là xã đảo.

Tại kỳ họp 22 ngày 10/11, HĐND TP HCM đã thống nhất thông qua tờ trình của UBND TP, công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo. Sau khi HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục trình Thủ tướng xem xét chấp thuận việc công nhận xã Thạnh An là xã đảo.
Xã Thạnh An đáp ứng đủ các tiêu chí là đảo theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Quyết định 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc công nhận xã đảo kéo dài hàng chục năm và TP HCM đã từng có Nghị quyết đề nghị công nhận xã đảo nhưng không thể làm thủ tục công nhận xã đảo do cù lao Gò Gia giáp ranh giữa xã Thạnh An và xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị tỉnh Đồng Nai tranh chấp.
Su that TP HCM, Dong Nai “tranh chap” dia gioi... dan kho ai?
 Toàn cảnh xã đảo Thạnh An. Ảnh: Tiền Phong.
Cụ thể, tháng 12/2014, UBND TPHCM đã có Tờ trình số 6979 trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ kèm theo toàn bộ hồ sơ theo quy định, trong đó có Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND TPHCM về thông qua đề nghị công nhận xã Thạnh An là xã đảo.
Đến ngày 22/1/2015, Bộ Nội vụ có công văn số 504 thẩm định hồ sơ, nêu rõ hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo của UBND TPHCM đã đảm bảo hướng dẫn của Bộ.
Tuy nhiên, văn bản của Bộ Nội vụ cho biết sau khi kiểm tra hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai do lịch sử để lại, tại khu vực cù lao Gò Gia giáp ranh giữa xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) với xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang trong quá trình giải quyết tranh chấp (theo dự án 513). Do đó, sau khi giải quyết xong khu vực tranh chấp giữa hai địa phương, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định hồ sơ đề nghị xã đạo nêu trên và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa hai địa phương kéo dài hơn 40 năm qua. Suốt thời gian đó, UBND TP HCM nêu quan điểm, thành phố đang quản lý toàn diện huyện Cần Giờ (bao gồm cả khu vực cù lao Gò Gia) theo nghị quyết phê chuẩn phân vạch lại địa giới hành chính thành phố từ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI (12/1978).
Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, trong quá trình bàn giao toàn diện và nguyên vẹn huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của tỉnh Đồng Nai cho TP.HCM, theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai vào thời điểm đó, TP.HCM đã đồng ý để cù lao Gò Gia cho tỉnh Đồng Nai quản lý.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính từ năm 1957 đến 1964, cù lao Gò Gia thuộc huyện Cần Giờ, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Năm 1975, Cần Giờ và huyện Quảng Xuyên sáp nhập thành huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Đồng Nai). Cù lao Gò Gia là nơi quân và dân tỉnh Đồng Nai đã tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đặc biệt, đây là căn cứ cách mạng của Đoàn 10 Đặc công thuộc Chiến khu Rừng Sác (của tỉnh Biên Hòa cũ). Các hộ dân sinh sống tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) ít nhiều cũng có lịch sử hào hùng gắn liền với vùng đất cù lao này.
Ngày 5/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM tại khu vực cù lao Gò Gia do lịch sử để lại.
Trên cơ sở đó, ngày 11/6/2020, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã có biên bản bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa trên giấy và dữ liệu dạng số (ghi trên đĩa CD) cấp xã giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM.
Theo đó, khu vực cù lao Gò Gia được xác định thuộc về xã Thanh An (huyện Cần Giờ). Việc tranh chấp cù lao Gò Gia (xã Thạnh An) giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã được giải quyết.
Do đó, UBND huyện Cần Giờ đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý trình UBND TP.HCM đề nghị công nhận xã đảo Thạnh An.
Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa hai địa phương kéo dài đã khiến cuộc sống hàng nghìn người dân khổ ải khi xã Thạnh An là vùng đặc biệt khó khăn, địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ngập do triều. Xã thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường gây ra trong nhiều năm…
Tuy nhiên, người dân không được đầy đủ hưởng các chính sách quan tâm, chăm lo của nhà nước khi chưa được công nhận là xã đảo.
Trước năm 2015, cuộc sống người dân vẫn khốn khổ vì là một xã nghèo khó, bị cô lập giữa biển Cần Giờ phải sống cuộc sống không có điện, mỗi khi đêm xuống, người dân thắp sáng nhờ đèn dầu. Khi đó, người dân sinh sống nhờ vào nghề làm muối, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản bằng phương pháp thủ công, không mang lại hiệu quả cao, cuộc sống thiếu thốn.
Năm 2013, Thạnh An được chọn là xã nhân rộng xây dựng nông thôn mới nằm trong chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010 - 2020. Đến năm 2015, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới kết hợp Tổng công ty Điện lực TP.HCM hoàn thành dự án cáp điện ngầm, đưa điện từ đất liền đến với xã đảo, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ đây cuộc sống của người dân dần khởi sắc.
Khi Chính phủ giải quyết tranh chấp, Thạnh An được công nhận là xã đảo, chế độ chính sách của nhà nước chăm sóc cho người dân xã đảo còn nhiều khó khăn, thiệt thòi sẽ tốt hơn. Bởi theo Nghị định 76/2019, người lao động làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có xã đảo sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền lương, phụ cấp...
Theo Nghị quyết, HĐND Thành phố giao UBND thành phố hoàn tất hồ sơ công nhận trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chỉ đạo các sở, ngành cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để triển khai áp dụng kịp thời, có hiệu quả khi xã Thạnh An được công nhận là xã đảo nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân xã Thạnh An.

Xã Thạnh An là một trong 6 xã của huyện Cần Giờ có vị trí đặc thù là xã đảo nằm phía Đông Thành phố, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ, có diện tích hơn 13.131 ha, chiếm 18,66% diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ và tổng chiều dài đường địa giới hành chính là 62.360m. Xã cách trung tâm huyện Cần Giờ khoảng 8km, trong đó có Cù Lao Phú Lợi trên cửa biển Cần Giờ có diện tích 33,05 ha.

>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng trăm người dân điêu đứng vì đường dây bảo hiểm lừa đảo

Nguồn: VTV 24

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)