Ớn lạnh phận bạc phu vàng

Google News

Vài năm trước, trong một chuyến công tác ở các xã vùng cao của H. Phước Sơn (Quảng Nam), tôi gặp anh, một phu vàng lâu năm từng lăn lộn khắp các bãi vàng trái phép. Giới làm vàng ở Phước Sơn quen gọi anh với cái tên Đông Timo. 

Cũng như những ông chủ lâu năm sống bằng nghề làm vàng, có những thời điểm “ăn nên, làm ra”, trong người Đông Timo lúc nào cũng có sẵn hàng chục cây vàng làm tiền túi… Nhưng rồi cũng như bao nhiêu phận đời khác, mới đây, khi tôi có dịp trở lại vùng cao, một người quen cho biết Đông Timo đã chết cách đây không lâu bởi cơ thể không chịu nổi sự tàn phá của ma túy sau nhiều năm nghiện ngập.
Sau khi chết không còn một xu dính túi, bạn phu vàng phải góp tiền đưa xác Đông Timo về quê.
Cha con anh Tài trò chuyện với P.V. 
Từng trò chuyện với chúng tôi cách đây vài năm, Đông Timo nói rằng: “Nghề làm vàng nhìn vậy chứ bạc lắm, mất nhiều hơn được. Mà đã theo cái nghề này thì sống nay, chết mai, chẳng ai nói trước được điều gì. Người thì chết vì sập hầm, có người chết vì nghiện ngập, người bị nhiễm HIV rồi chết… Biết thế, nhưng không sao dứt bỏ được cái nghiệp này”.
Tôi vẫn luôn tự hỏi, vì sao biết trước những hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí là cái chết, nhưng nhiều người như ông B., như Đông Timo vẫn bất chấp tất cả để tìm đến những bãi vàng? Để lý giải cho câu hỏi này, trong những năm qua, chúng tôi vẫn luôn đi tìm lời giải. Và đa số những người mà chúng tôi gặp họ đều nói rằng - đây là cái nghiệp, khó lòng mà dứt ngang được.
2 phu vàng Seo Văn Nguyên và Cụt Văn Hưng làm việc trong bãi vàng. 
Mới đây, chúng tôi có dịp tìm đến một bãi vàng trái phép nằm sâu trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh (thuộc xã Phước Đức, H. Phước Sơn). Câu chuyện của những người làm vàng nơi đây khắc họa sâu hơn về những phận người long đong, khốn khổ, không biết sẽ đi về đâu.
Thời điểm này là mùa nắng, thế nhưng muốn vào khu vực trên chúng tôi phải thuê những tay xe ôm chuyên nghiệp, bởi xe của họ có gắn xích mới luồn lách qua những cung đường quanh năm ẩm ướt dưới những tán cây rừng già.
Sau hơn 1 giờ chạy xe máy, chúng tôi bắt gặp một lán trại của cha con chủ bãi Lê Văn Tài. Cha của Tài là ông Tâm, năm nay đã ngoài 60. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tâm cho biết mình vào bãi vàng ở Phước Sơn này từ năm 2000. Sau đó, để có người chia sẻ công việc, ông Tâm đưa luôn con vào đây.
“Khi mới vào, tôi nói rằng bố con mình cố gắng, khi nào làm được có tý vốn rồi về quê kiếm việc khác. Nhưng làm thì có năm lỗ năm được, nhưng năm được thì lấy tiền để trả nợ của năm trước mình bị lỗ. Thế là cứ xoay vòng. Đến nay đã gần 20 năm nhưng cha con tôi chưa một lần về quê do không dư dả gì” - ông Tâm tâm sự.
Trước đây, bãi vàng của cha con anh Tài có hơn 10 phu vàng, nhưng do vàng làm ra ít, không đủ trả lương cho quân nên 2 năm nay anh Tài chỉ dám nuôi 2 - 3 phu vàng.
3 phu vàng đang làm việc cho Tài đều là người dân tộc Khơ Mú, trú H. Chiêu Lưu (Nghệ An). 3 người là 3 số phận khác nhau, cũng vì gia cảnh quá khó khăn, ở quê không có việc làm nên họ khăn gói vào đây mưu sinh ở các bãi vàng. Seo Văn Nguyên (25 tuổi) và Cụt Văn Hưng (19 tuổi) được giao nhiệm vụ vận chuyển đất đá từ hầm lò đến cối xay.
“Em vào đây làm được 4 tháng rồi. Làm đây chủ yếu giúp cho chủ thôi chứ tiền lương ít lắm, chủ làm ăn không ra gì. Biết khó khăn nhưng em cố gắng làm, mong chủ trúng được vàng thì mình sẽ có tiền nhiều chứ ở quê không có việc gì làm” - phu vàng Seo Văn Nguyên giãi bày.
Anh Lê Văn Tài cùng Seo Văn Nguyên kiểm tra thành quả sau một ngày đào đãi vàng. 
Hằng ngày, những phu vàng này vào hầm từ tinh mơ để đục lấy đá, sau đó vận chuyển ra bên ngoài, đưa xuống đổ vào cho máy xay. Công đoạn phụ trách máy xay có phần đỡ vất vả hơn nên được giao cho người lớn tuổi nhất tên là ông Cụt Văn Bường, đã ngoài 60. Ông Bường không nói và hiểu được tiếng Việt nên mọi giao tiếp phải dùng ngôn ngữ cơ thể…
Kết thúc một ngày làm việc vất vả, sau bữa cơm tối đạm bạc là thời điểm chủ bãi Lê Văn Tài kiểm tra vàng ra máng như thế nào. Đây cũng là thời điểm mà những người làm vàng trông đợi nhất. “3 ngày rồi mà không thấy tí vàng nào. Ngày trước thì mỗi ngày cũng được mấy phân nhưng đợt này quặng không có tí vàng nào” - anh Tài than thở. Lại một ngày buồn, bước chân của những phu vàng như nặng nề hơn khi trở về lán trại.
Giữa đêm khuya thanh vắng, bên cốc nước trà, vừa rít hơi thuốc lào, anh Tài chậm rãi: “Trước đây quân nó cũng đông, làm cũng được. Lâu lâu thì nó cũng còn có tí hy vọng nhưng mù mờ lắm. Tôi theo cái nghề này miết rồi, tính đến giờ tuổi cũng nhiều rồi, có về cũng chẳng biết làm gì, nghề nghiệp cũng không có. Máu làm vàng thì lúc nào cũng muốn theo đuổi để có tí hy vọng nhưng nhiều khi chẳng biết thế nào nữa”.
Nói về đời mình, anh Tài thở dài: “Năm nay đã gần 40 tuổi rồi. Lúc trai trẻ thì mình tự nghĩ cố gắng làm ăn dành dụm chút ít rồi về quê cưới vợ. Nhưng đến giờ cũng nhiều tuổi rồi, về thì nghề còn không có nên lấy vợ cũng khó. Do vậy giờ cứ hy vọng, mong ở đây kiếm được ít vàng để trả công trả nợ, có ít vốn về quê kiếm cái nghề, cái nghiệp mình làm. Bây giờ cứ ước nguyện làm sao chỉ được như vậy thôi là đời cũng được rồi”.
“Anh có hy vọng chuyện trúng vàng xảy ra không?”. “Hy vọng thì ai cũng có hy vọng cả. Không có hy vọng thì cũng không muốn đi làm. Giờ hy vọng mãi rồi đâm ra cũng nản, được hay thua thì cũng theo hết năm nay rồi giải nghệ” - anh Tài trả lời tôi mà như đang tự sự. Tôi cũng im lặng để nghĩ về những phận người làm vàng mà chúng tôi đã từng gặp. Nói như anh Tài, cố gắng hết năm được hay không cũng giải nghệ, nhưng tôi hiểu, để dứt bỏ nghề này đối với một người từng ấy năm gắn bó như anh không đơn giản. Dừng lại để rẽ sang một hướng khác hay đi tiếp trên con đường hiểm nguy với giấc mơ đổi đời có lẽ là điều trăn trở nhất của những phu vàng giữa rừng sâu thăm thẳm này.
Theo Trọng Ý - Trần Tân/Công an TP Đà Nẵng

>> xem thêm

Bình luận(0)