“Hiệp sĩ” bị sát hại: 26 năm lang bạt không làm điều tủi hổ

Google News

Ở nơi lưng chừng của khốn khổ, thi thể “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi được đưa về quê chôn cất. Người mẹ nghèo đau đớn, khóc cạn cả nước mắt. Nhưng, thâm tâm bà lại rất đỗi tự hào.

Cha già… ngóng con
Con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà của bố mẹ “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chật kín người, tiếng trống kèn sầu não bao trùm cả xóm nghèo. Trong căn nhà cấp 4 với những mảng tường nham nhở, bằng khen trong lần bắt cướp được trao tặng cho “hiệp sĩ” Thôi được treo trang trọng, ở nơi dễ nhìn thấy nhất.
Không khí tang thương bao trùm làng quê của hiệp sĩ Thôi. 
Khi thi thể anh Thôi được xe cứu thương đưa về tận nhà cũng là lúc ông Nguyễn Bỉ (70 tuổi, cha ruột anh Thôi) như ngã quỵ trước nỗi đau mất con. Gạt nước mắt, ông Bỉ kể: “Sợ con gặp nguy hiểm, tôi từng khuyên nên từ bỏ chuyện bắt cướp vì đây là việc của công an nhưng nó không chịu. Tính nó thật thà, ngay thẳng, hay giúp người nên tôi không cản được, chỉ biết nhắc con nên cẩn thận. Giờ thì nỗi lo đã trở thành nỗi đau tột cùng”.
Giấy khen của anh Thôi được treo ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. 
Người thân cho hay, cuộc sống ở quê khốn khó, tuổi thơ anh Thôi phải vật lộn với “ruộng đồng, biển sâu” để kiếm cơm. Nghỉ học từ năm lớp 6, năm 16 tuổi anh từ giã gia đình vào Sài Gòn kiếm sống bằng đủ nghề: Bán phở, sửa xe máy vỉa hè, đạp xích lô, chạy xe ôm, tất cả các nghề anh đều thử qua để tồn tại ở nơi đất khách.
“26 năm lang bạt trên đất Sài Gòn, cuộc sống của con trai tôi rất vất vả nên ít khi về quê. May mắn lớn nhất là nó có được vợ, rồi sinh được đứa con trai nhưng cũng cũng vì khó khăn mà gia đình phải chia ly. Mỗi đợt về quê, nó ở lâu nhất chỉ ở chừng 5 ngày, thương con tôi vận động về sống với ba mẹ. Thằng Thôi có hứa sẽ về nhưng chưa thực hiện được thì con tôi bị cướp tấn công”, ông Bỉ buồn bã nói.
Mẹ anh Thôi đau như cắt vì mất con. 
Trong “đói khổ”, sống không tủi nhục
Vợ ông Bỉ, bà Nguyễn Thị Ô (68 tuổi), ngồi dưới góc hiên, khóc cạn cả nước mắt, bà liên tục đòi mở quan tài để nhìn mặt con trai lần cuối.
“Sau hàng chục năm xa quê, cuộc sống của con tôi vẫn ở trọ, đi làm thuê ngoài đường. Đến lúc bị cướp đâm chết thì cũng chẳng có tài sản gì quý giá. Bạn bè và những người yêu quý con tôi đã đưa thi thể về tận nhà, còn gửi tiền để gia đình lo chôn cất. Lòng tôi đau như cắt nhưng vẫn tự hào, vì trong đói khổ con trai vẫn nghe lời dặn cha mẹ, sống không làm điều tủi nhục, xấu hổ”, bà Ô nói trong tiếng khóc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung - vợ cũ và cháu Đạt (10 tuổi) - con trai của “hiệp sĩ” Thôi cũng cùng đưa thi thể anh về quê. Chị Dung tâm sự, chị đến với anh Thôi vì bản tính thật thà, hay giúp đỡ người khác dẫu cuộc sống còn nhiều khốn khó và cũng có rất nhiều lý do khiến hôn nhân của anh chị tan vỡ.
Kí ức về người cha quá cố của cháu Đạt là những mẫu chuyện cuối tuần được cha đưa con đi chơi, ăn các món ăn Đạt thích như: Kem, gà rán... Tuy nhiên, khoảnh khắc đó lại không mang niềm vui đong đầy của cả gia đình vì anh Thôi và chị Dung đã ly hôn từ lâu.
“Tuần trước, ba còn dẫn con về phòng trọ, rồi đi siêu thị mua đồ chơi. Ba bận đi bắt cướp nên lúc rảnh mới chở con đi chơi được, con thương ba lắm”, cháu Đạt thỏ thẻ tâm sự về những kỷ niệm với cha.
Không khí buồn bã, xót thương bao trùm cả xóm nghèo, dòng người đến viếng anh Thôi ngày càng đông, ai cũng xót thương cho con người có lối sống trượng phu nhưng đoản mệnh.
Theo Dũ Tuấn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)