Chuyện tình "sét đánh" của cô gái lành lặn với chàng trai xương thủy tinh

Google News

Mối tình của cô gái lành lặn Trương Thị Bích Phượng và chàng trai mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Văn Phương khiến bất cứ ai biết tới cặp đôi này cũng đều ngưỡng mộ và khâm phục.

Tuổi thơ cơ cực
Ngôi nhà của chàng trai mắc bệnh xương thủy tinh nằm tại một xóm nghèo 8B, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Anh tên là Nguyễn Văn Phương - một thợ sửa chữa diện tử nổi tiếng ở địa phương.
Chuyen tinh
Vợ chồng anh Phương - chị Phượng. 
Ngược dòng thời gian, anh Phương trầm lắng kể về những ngày tháng nổi trôi của mình. Là con trai độc đinh trong gia đình có 7 chị em, 45 năm trước, anh Phương chào đời trong niềm vui của gia đình, dòng họ. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, gia đình phát hiện anh bị mắc bệnh xương thủy tinh. Chứng bệnh khiến xương của anh có thể bị gãy bất cứ lúc nào nếu bị tác động dù chỉ là lực rất nhỏ.
Tuổi thơ của anh là những giọt nước mắt đau đớn kéo dài khi hết lần này đến lần khác bị gãy xương. Chuyện ngày tháng gắn với bệnh viện dường như là chuyện thường tình đối với anh. Phương không thể nhớ nổi có biết bao nhiêu chiếc đinh đã được đóng vào chân mình để nẹp xương. Quãng thời gian được cùng chúng bạn vui đùa, chạy nhảy dần trở nên hiếm hoi, thay vào đó là chuỗi ngày dài nằm bất động trên giường. Có khi 1 năm bị gãy xương đến 2-3 lần, đến nay anh Phương đã bị gãy xương khoảng trên 50 lần. Mới đầu anh còn được đưa đến bệnh viện băng bó, nhưng thời gian gần đây, anh hầu như “tự xử” ở nhà. Không có thuốc tê, mỗi lần như vậy anh chỉ biết cắn răng chịu đựng đau đớn.
Nhớ lại thời tuổi trẻ, anh nghẹn lời: "Mặc dù bệnh tật nhưng từ nhỏ tôi vẫn cố gắng đến trường. Hồi đó, những ngày đến trường là chặng đường đầy gian nan vất vả. Con đường từ nhà đến trường chỉ hơn 1 cây số nhưng với tôi là một quãng đường cực dài". Hết lớp 7, anh đành ở nhà vì quãng đường đến trường quá xa đối với một người bị mắc bệnh xương thủy tinh, sức yếu.
Đến năm 18 tuổi, anh rời mảnh đất Hà Tĩnh, theo gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Tại vùng đất mới, với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, Phương xin bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa điện tử.
Dù hạn chế về sức khỏe nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sau 5 năm theo học và làm nghề, chàng trai tật nguyền đã mở được tiệm sửa chữa điện tử. Công việc này giúp anh kiếm thêm thu nhập, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, nhưng hơn hết là tìm được người bạn đời.
Mỗi tình chiều 30 Tết
Chiều 30 Tết năm 1996, khi đang sửa soạn để chuẩn bị đón Tết thì chiếc tivi của nhà chị Trương Thị Bích Phượng (trú tại ấp Hưng Phú, xã An Lộc, huyện Bình Long, Bình Phước) bất ngờ bị hỏng. Được mẹ giao đưa tivi đi sửa nhưng vì đã cận kề ngày Tết nên đạp xe đến rạc chân mà cô gái trẻ vẫn không tìm được tiệm sửa chữa điện tử. Trên đường về, chị thấy quán sửa chữa đồ điện tử của anh Phương vẫn đang mở cửa hoạt động nên vô cùng vui mừng. “Trong quá trình nhờ anh Phương sửa tivi, tôi tranh thủ hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình của anh ấy. Anh Phương thật thà kể hết từ chuyện gia đình vào đây lập nghiệp cũng như nguyên nhân khiến anh ấy không thể cao lớn như người bình thường. Chả hiểu thế nào, ngay trong lần đầu gặp đầu tiên này, tôi đã đem lòng yêu anh ấy”, chị Phượng nhớ lại.
Nhắc đến vợ, giọng anh Phương trầm xuống: “Cô ấy đã hy sinh vì tôi rất nhiều. Lấy tôi, cô ấy không những bị bố mẹ từ mặt thời gian dài, mà còn phải chịu nhiều lời dị nghị của người đời. Chưa hết, vì cuộc sống khó khăn nên vợ tôi cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nhiều người. Cả cuộc đời này, tôi nợ cô ấy một lời cảm ơn”.
Chuyen tinh
Chị Phượng ngày ngày buôn ve chai để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. 
Yêu nhau chừng 4 tháng, cả hai chính thức về ra mắt nhà gái nhưng bị bố mẹ chị kịch liệt phản đối vì “thiếu chi người lại đi yêu người bệnh tật, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà”. Sợ hàng xóm bên vợ dị nghị, sau khi liều lĩnh dắt tay nhau lên xã đăng ký kết hôn, anh Phương đưa chị Phượng lên tỉnh Kon Tum để sinh sống. Tại đây, anh Phương thuê đất mở quán sửa chữa điện tử, còn chị Phượng đi hái tiêu và cà phê cho người dân trong vùng.
Hàng ngày, anh Phương cần mẫn sửa chữa điện tử để kiếm tiền, còn vợ anh đi hái cà phê, tiêu cho bà con trong vùng. Cuộc sống dù thiếu thốn, vất vả nhưng 2 vợ chồng luôn động viên nhau cùng cố gắng.
Năm 1997, chị Phượng mang thai đứa con đầu lòng trong sự vui mừng của hai vợ chồng. Thế nhưng, khi rời tỉnh Kon Tum trở về nhà mẹ đẻ sinh sống, chị Phượng bị người thân bắt phá thai vì sợ đứa con sinh ra sẽ mắc bệnh như anh Phương.
“Bố mẹ tôi cũng chỉ muốn tốt cho tôi nên tôi không thể trách họ được. Dù con do mình khi sinh ra có bị gì đi nữa cũng là một sinh linh vô tội. Vì thế, những người làm cha, làm mẹ làm sao nỡ lòng nào khước từ sự sống của con”. Bỏ ngoài tai sự ngăn cản của gia đình, chị Phượng quyết tâm sinh con bằng được. Song, đứa trẻ cũng không may mắn khi bị bệnh xương thủy tinh giống bố.
Việc đứa con mắc bệnh càng khiến cuộc sống của vợ chồng khó khăn hơn. Để có tiền chạy chữa cho con, hai vợ chồng phải làm việc nhiều hơn. Khi con trai được 4 tuổi, với hy vọng có đứa con lành lặn, hai vợ chồng quyết định sinh thêm. Giữa năm 2001, đứa con trai thứ hai chào đời, buồn thay cũng mắc bệnh giống bố và anh trai. Để có tiền chạy chữa cho các con, hai vợ chồng quyết định bán mảnh đất mà bố mẹ mua cho rồi dắt díu nhau trở về Hà Tĩnh sinh sống.
Từ đó đến nay, anh Phương mở một quán sửa chữa điện tử gần nhà, còn chị Phượng đi buôn ve chai. Số tiền trợ cấp của nhà nước và số tiền kiếm được của 2 vợ chồng cũng chẳng đáng bao nhiêu, nên cuộc sống của gia đình anh Phương thường bị thiếu trước, hụt sau. Dù cơ cực nhưng họ vẫn lặng lẽ cùng nhau xây dựng gia đình bé nhỏ, nghèo nhưng luôn đầy ắp yêu thương, chưa bao giờ họ ca thán, kêu khổ với ai.
Chuyen tinh
2 cha con anh Phương mưu sinh bằng nghề sửa chữa điện tử. 
Người con trai đầu sau thời gian được anh Phương truyền nghề hiện là đồng nghiệp đắc lực của bố. Riêng đứa con thứ hai đang được một trung tâm khuyết tật trong Sài Gòn nhận nuôi. “Bây giờ con trai lớn của tôi đã phụ được cha nó trong việc sửa chữa đồ điện tử kiếm thêm thu nhập. Còn con trai thứ được một trung tâm khuyết tật trong Sài Gòn nhận nuôi nên gia đình cũng bớt chút khó khăn. Tôi chỉ mong sao chồng và 2 đứa con khỏe mạnh, nhà luôn đầy ắp tiếng cười là mãn nguyện lắm rồi”, chị Phượng nói.
Điều khiến vợ chồng anh Phương mừng hơn cả là sau bao năm từ mặt, phản đối cuộc hôn nhân này, mới đây gia đình chị Phượng đã thay đổi. Điều đó đã tiếp thêm động lực để hai vợ chồng cùng làm việc, nuôi dạy con cái.
Anh Phương chia sẻ: “Do nhiều năm không dám về nhà nên vợ tôi có chút lo sợ, nhưng sau khi được tôi động viên, cô ấy đã dám đối diện với sự thật. Lần về gặp mặt gia đình gần đây, chúng tôi đã được bên ngoại tươi cười đón tiếp. Vậy là sau bao nhiêu năm đấu tranh cho tình yêu, cuối cùng chúng tôi đã được hai bên ủng hộ”.
Theo Nguyên Nguyên/PNVN

>> xem thêm

Bình luận(0)