Cách nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng và phòng ngừa

Google News

(Kiến Thức) - Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, thậm chí bùng phát thành dịch lớn.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch.Trẻ em thường có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể gặp biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Cach nhan biet tre mac benh tay chan mieng va phong ngua
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại khoa Truyền nhiễm đang được bác sĩ thăm khám 
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, nhiều khi cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời. Trong đó, dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng là:
1) Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
2) Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng một loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.
3) Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
Từ đầu năm, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 100 ca tay chân miệng. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, thậm chí bùng phát thành dịch lớn.
Thông thường, bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch, đợt 1 là vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo khi trẻ bị tay chân miệng ở thể nhẹ gia đình nên cho bé uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi... để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng. Cha mẹ cũng nên vệ sinh sạch sẽ cả thau chậu tắm giặt, ngừa virus bám lại trên tay và gây bệnh cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là những người trông trẻ, giáo viên ở các trường học càng cần chú ý hơn.
Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)