“Út trọc” đã “làm mưa, làm gió” ở Công ty PTĐT Thái Sơn thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trong thời gian lãnh đạo Công ty PTĐT Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ ("Út trọc") đã làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, gây thất thu cho ngân sách 1,4 tỷ đồng.

Từ ngày 30/7-1/8, Tòa án Quân sự Quân khu 7 sẽ đưa ra xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc") - nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư (PTĐT) Thái Sơn cùng các đồng phạm ra xét xử với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ - khi đó là Phó phòng kinh doanh Tổng công ty Thái Sơn) biết được Tổng công ty có chủ trương mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh đã đề nghị thành lập doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình "công ty mẹ, con".
“Ut troc” da “lam mua, lam gio” o Cong ty PTDT Thai Son the nao?
 "Út trọc" đứng ở giữa (dấu đỏ). Nguồn ảnh: Tiền Phong
Ngày 19/9/2009, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty CP PTĐT Thái Sơn với vốn điều lệ 20 tỷ (trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp 51%).
Từ tháng 3/2013 cho tới ngày "xộ khám", "Út trọc" Đinh Ngọc Hệ là người đại diện pháp luật và là tổng giám đốc công ty PTĐT Thái Sơn.
Cơ quan điều tra cho rằng, mặc dù mang danh nghĩa là "đứa con" của Tổng công ty Thái Sơn, nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty PTĐT Thái Sơn là của tư nhân, mọi hoạt động đều theo sự điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ.
Hơn nữa, sau khi thành lập không lâu, Tổng Công ty Thái Sơn bắt đầu rút phần lớn cổ phần khỏi “đứa con”. Tháng 11/2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cho người quen của ông Đinh Ngọc Hệ với giá… 0 đồng. Tháng 10/2017, Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng nốt 20% cổ phần còn lại thu về 1,2 tỷ đồng.
Suốt 7 năm nắm quyền (2011-2016), Đinh Ngọc Hệ (“Út trọc") đã mặc sức "làm mưa làm gió", "dối trên lừa dưới" gây thiệt hại đáng kể cho ngân sách. Cụ thể, ông Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, thông qua ban TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, ông Hệ đề nghị cho mua và đăng ký sử dụng nhiều loại ô tô giá trị lớn bằng vốn tự có.
Khi được miễn thuế trước bạ và đăng ký xe, ông Hệ đã chỉ đạo cấp dưới ký hàng loạt hợp đồng thế chấp các ô tô cho tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh tiền. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe của ông Hệ đã dẫn tới đơn thư tố cáo gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Nhà nước và Quân đội.
Sai phạm "chồng chất" sai phạm, từ cuối năm 2012, với sự chỉ đạo của Hệ, Công ty PTĐT Thái Sơn đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà. Sau đó, Đinh Ngọc Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương, bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc.
Cơ quan điều tra cho rằng, thực chất việc lập chi nhánh này là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép xăng dầu giúp công ty Hải Hà.
Sau khi được cấp phép, công ty Hải Hà đầu tư, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Tưởng như việc kinh doanh này bình thường thì ngày 23/6/2014, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã phát hiện sự thật "động trời" - cửa hàng này có lượng xăng tồn không đạt tiêu chuẩn.
Khi đó, ông Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản giả mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng chủ yếu phục vụ kinh tế ngành gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và đã được miễn xử phạt.
Điều gì đến cũng phải đến, sau nhiều sai phạm “khủng”, ngày 3/12/2017, Cơ quan Điều tra hình sự/Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Ngọc Hệ - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các bằng chứng, lời khai của các đồng phạm...đủ cơ sở để xác định ông Hệ là người quyết định, chỉ đạo sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho một số đối tượng sử dụng trái quy định mà không phải nộp thuế trước bạ trên 3,1 tỷ đồng, hưởng lợi 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hệ còn lợi dụng danh nghĩa câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng.
Phượng Hồng

>> xem thêm

Bình luận(0)