Tiếp viên Vietnam Airlines mắc COVID-19: Vi phạm quy chế... sa thải?

Google News

(Kiến Thức) - Vietnam Airlines đã tạm đình chỉ công việc của nam tiếp viên hàng không để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải, do những vi phạm trong việc cách ly y tế phòng ngừa COVID-19. Dư luận cho rằng, cần xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Chiều ngày 2/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có quyết định tạm đình chỉ công việc với ông D.T.H, tiếp viên hàng không của hãng (BN 1342) để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải, do những vi phạm trong việc cách ly y tế phòng ngừa COVID-19. Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên cũng bị tạm đình chỉ để làm rõ trách nhiệm trong việc tiếp viên vi phạm quy định trong cách ly làm lây nhiễm COVID-19 ra ngoài.
Hành vi vi phạm của nam tiếp viên hàng không, trách nhiệm của cơ quan chủ quan là Vietnam Airlines và đơn vị quản lý tiếp viên đã được các cơ quan chức năng chỉ ra khiến dư luận bức xúc đề nghị phải kỷ luật nghiêm khắc nhất. Bởi những hành vi trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước trong suốt thời gian qua.
Tiep vien Vietnam Airlines mac COVID-19: Vi pham quy che... sa thai?
 Ảnh minh họa.
Quy định về cách ly và kiểm soát dịch bệnh đã được Bộ Y tế ban hành và điều chỉnh khá chặt chẽ. Lẽ ra nam tiếp viên hàng không và những cá nhân, đơn vị của Vietnam Airlines phải là những người hiểu biết và cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch COVID-19 để bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho bản thân và hành khách khi công việc đặc thù thường xuyên tiếp cận với các nguồn dễ lây nhiễm và là các đối tượng có khả năng lây nhiễm cao.
Tuy nhiên, từ ý thức cá nhân với sự chủ quan lơ là, nam tiếp viên D.T.H. đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về phòng chống COVID-19 khi tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân, trong quá trình cách ly tập trung tại khu cách ly của Vietnam Airlines cũng như tại nhà.
Trong chuyến bay của Vietnam Airlines bay từ Nhật về, trừ nam tiếp viên này, toàn bộ hành khách và cả kíp bay đều cho xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên tại khu cách ly của tập trung của Vietnam Airlines, nam tiếp viên đã không tuân thủ quy định, tiếp xúc với đồng trên chuyến bay khác (BN 1.325) dẫn đến bản thân bị nhiễm COVID-19. Thời điểm cách ly tại nhà, nam tiếp viên tiếp tục không tuân thủ quy định cách ly khi tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ), trong đó có người bạn nam đến sống cùng. Thậm chí, nam bệnh nhân còn tự ý bỏ ra ngoài trong thời gian cách ly tại nhà, đi ăn trưa và tới trường Hutech (Đại học Công nghệ TPHCM).
Hành vi vi phạm nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà đã dẫn đến việc bệnh nhân này lây nhiễm cho BN1347. Từ sự chủ quan của BN1347 dẫn đến có 2 bệnh nhân khác lây nhiễm, kéo theo gần 800 trường hợp tiếp xúc gần đối với các ca nhiễm.
Từ ý thức kém, vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly, nam bệnh nhân đã gây hậu quả lớn cho cộng đồng khi hơn 100.000 học sinh, sinh viên tại TP HCM phải tạm thời nghỉ học tập trung, nhiều khu vực bị phong tỏa, hàng quán, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại hiện hữu. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương tiếp tục phải gồng mình chống dịch, hàng triệu người dân lo lắng khi “bóng ma” COVID-19 vừa trở lại, những thiệt hại bước đầu đã thấy rõ.
Dù biết rằng, trong sự việc trên, không chỉ nam tiếp viên có lỗi mà còn cho thấy công tác quản lý, giám sát của ban quản lý khu cách ly tập trung Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines phía Nam còn lỏng lẻo và có lỗ hổng trong cách ly. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trách nhiệm lớn nhất để xảy ra tình trạng lây nhiễm COVID-19 thuộc về cá nhân nam tiếp viên hàng không khi không tuân thủ các quy định về cách ly. Đồng thời yêu cầu Vietnam Airlines phải sa thải nam tiếp viên này.
Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh, sớm công bố kết quả với công luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kỷ luật sa thải nam tiếp viên là điều cần thiết, thậm chí các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines phía Nam.
Ông Trần Trí Kiên (TP Hà Nội) cho rằng, hành vi vi phạm quy định cách ly của nam tiếp viên dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng khi lây nhiễm dịch ra cộng đồng nên sa thải là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, cũng phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Vietnam Airlines và đơn vị quản lý tiếp viên khi để xảy ra sự việc trên, chính sự buông lỏng quản lý đã dẫn đến những hành vi sai phạm trên.
“Vietnam Airlines có lẽ quá hiểu hậu quả do dịch COVID-19 gây ra khi doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng, dự tính hãng lỗ ròng khoảng 13.000 tỷ đồng và phải xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng. Lẽ ra đơn vị này cần quán triệt các nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng dịch nhưng vẫn để xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên nên không thể không có trách nhiệm” – ông Trần Trí Kiên, nêu ý kiến.
Đánh giá vụ việc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước trong suốt thời gian vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là của cá nhân chưa tuân thủ quy định về cách ly, chủ quan từ việc xét nghiệm âm tính 2 lần. Tiếp theo là trách nhiệm của cơ quan chủ quản là VNA và đơn vị quản lý tiếp viên.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự (TAT Law firm) cho rằng, trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay, không thể lơ là, chủ quan với bệnh dịch. Không chỉ đơn thuần cơ quan Nhà nước thực hiện công tác tuyên truyền, đưa ra các giải pháp phòng, chống mà cần thiết chính ý thức từ phía người dân phải chủ động và nghiêm túc khai báo khi có dấu hiệu của bệnh dịch.
Như vậy, đối với bệnh nhân là nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về đã có biểu hiện rõ của việc vi phạm quy định cách ly. Theo đó, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau sự việc xảy ra, nhiều người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi trên mới đủ sức răn đe người vi phạm.
Căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 , người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Do đó, trường hợp cá nhân không tuân thủ quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi vi phạm của nam tiếp viên đã rõ, sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan đã được chỉ ra, quy định của pháp luật đã đầy đủ. Điều dư luận đề nghị là sự nghiêm túc trong xử lý kỷ luật của Vietnam Airlines, của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng tương tự trên xảy ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19 |

Nguồn: THĐT

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)