Thế chấp clip “nóng” vay lãi, cô gái bán dâm trả nợ: Thủ đoạn mới?

Google News

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi cho thế chấp clip "nóng" vay tiền là một thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ cô gái phải thế chấp “tài sản” là ảnh, video nhạy cảm, khiêu dâm để vay nặng lãi, sau đó phải bán dâm để có tiền trả lãi, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, “thế chấp tài sản" là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, tài sản thế chấp thường là vật hoặc quyền tài sản, phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt. Còn ảnh, clip và hình ảnh, thông tin cá nhân thuộc về quyền nhân thân, là quan hệ nhân thân chứ không phải là quan hệ tài sản.
The chap clip “nong” vay lai, co gai ban dam tra no: Thu doan moi?
 Nguyễn Thị Vân Anh tại cơ quan công an.
Người giữ hình ảnh, thông tin cá nhân chỉ có thể sử dụng vào các mục đích hợp pháp, không được sử dụng hình ảnh đó để bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác. Do đó, việc cầm cố, thế chấp cho các khoản vay bằng các hình ảnh nhạy cảm không được xác định là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách hợp pháp. Đây chỉ là phương thức thủ đoạn, là cách thức để các đối tượng cho vay nặng lãi có thể sử dụng để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, buộc nạn nhân phải trả nợ.
Bộ Luật hình sự quy định, hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến nạn nhân không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS. Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người bị đe doạ lo sợ, miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đe doạ, hành vi dọa tung hình ảnh, video nhạy cảm của người vay nợ để đòi nợ là hành vi cưỡng đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 170 BLHS năm 2015.
Trường hợp, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng cho vay tài sản đã đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay để buộc người vay phải quan hệ tình dục (giao cấu) trái ý muốn đối với người khác, đây là hành vi cưỡng dâm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143 BLHS năm 2015. 
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối tượng cho vay tiền hoặc người đòi nợ sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền để đe dọa, uy hiếp tinh thần họ nhằm đòi nợ không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
“Hành vi này được xác định là động cơ đê hèn. Việc tung những ảnh khỏa thân, những clip nhảy cảm của nạn nhân là nữ, trẻ tuổi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình của nạn nhân. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân và gây ra nhiều hậu liên hệ lụy tiêu cực cho xã hội” - luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh hành vi của các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nêu ý kiến về hành vi cho vay nặng lãi của các đối tượng trong vụ án, luật sư Cường cho rằng, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định, pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch vay tài sản theo quy định của bộ luật dân sự. Đối với những tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính cho vay phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bộ luật dân sự quy định vay tài sản (vay tiền) là quan hệ dân sự, các bên giao dịch trên cơ sở tự nguyện, hai bên có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được quá 20% một năm. Trường hợp thỏa thuận lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên thì pháp luật không thừa nhận và còn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Như vậy, trong mọi trường hợp lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng.
Đối với các tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp, ngoài việc tuân thủ các quy định của bộ luật dân sự, các tổ chức này còn phải tuân thủ các quy định của luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Trường hợp cho vay tiền mà lãi suất vượt quá 5 lần mức nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201, BLHS năm 2015.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi cho vay nặng lãi hay không, hành vi đã đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa để giải quyết vụ án triệt để theo quy định pháp luật.
 >>> Mời độc giả xem thêm video “Trùm” đường dây môi giới mại dâm "sugar baby" ở Hà Nội sa lưới:

Nguồn: ANTV

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)