Tham nhũng vặt như 'tổ mối', có thể làm vỡ con đê hùng vĩ

Google News

(Kiến Thức) - Nói về tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ.

Tham nhũng vặt như 'tổ mối', có thể làm vỡ con đê hùng vĩ
Chiều 15/8, trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về chống tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của QH, UBTVQH đều nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng vặt.
Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức, “tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào”, Phó Thủ tướng nói và ví “như con đê cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, có tác động làm phá hoại đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, của cả “anh” thực thi và “anh” kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật.
Tham nhung vat nhu 'to moi', co the lam vo con de hung vi
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Đại biểu Nhân dân. 
Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, cố gắng ứng dụng cung cấp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4, là trả tiền bằng mạng, thì lúc đó mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt, Phó thủ tướng nói. Chúng ta cũng có hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, nhất là bổ nhiệm cán bộ đứng đầu, những trưởng đoàn.
Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân với các phương tiện truyền thông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức, thay mặt cho Đảng và Nhà nước. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22.4.2019 và tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này, chúng ta chấn chỉnh nhũng nhiễu, sách nhiễu và vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực này và tới đây sẽ tạo ra một số chuyển biến, Phó thủ tướng nói.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời các chất vấn về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn quan điểm ĐBSCL có vị trí chiến lược về KT-XH, quốc phòng - an ninh, và về nông nghiệp là cứ điểm chiến lược, nên tập trung đầu tư ở đây.
Trong 5 năm qua, tổng đầu tư ngân sách cho khu vực này đứng thứ 3 trong 6 vùng, chiếm 16,9%. Và nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ đứng thứ 3, với 18,26%. Như vậy, số vốn bố trí cho khu vực này không phải quá thấp, song do vùng này có điểm xuất phát điểm hạ tầng thấp, chia cắt, địa chất yếu, suất đầu tư cao, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, suất đầu tư vốn không cao do điều kiện này càng thấp hơn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ý thức vấn đề này, trong Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu có chương trình riêng về đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Trong 5 năm tới sẽ tập trung đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh kể cả đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không và đường sắt.
Về đường bộ, Phó thủ tướng cho biết, sẽ phải đầu tư cả tuyến dọc theo hướng Bắc - Nam và tuyến ngang theo hướng Đông - Tây. Về đường thủy, không ở đâu có lợi thế như khu vực này, cứ 1km diện tích có 0,6km sông, rạch suối, thích hợp thực hiện logistics, kết nối với các nước lân cận.
Về hàng không, có thể nghiên cứu mở thêm một số đường bay mới kết nối cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sớm nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc. Với đường sắt đang điều chỉnh quy hoạch. Tới đây sẽ đầu tư thích đáng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vùng phải xây dựng danh mục đầu tư ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến năm 2025.
Trước mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 2.146 tỷ đồng cho tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, bố trí Mỹ Thuận - Cần Thơ 920 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm nay.
Để bố trí vốn cho các dự án này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xây dựng nghị quyết trình trình sang UBTVQH. Khi UBTVQH phê chuẩn chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân bổ ngay để cùng với 3000 tỷ đồng vốn của chủ sở hữu, 6000 tỷ đồng vốn của tổ chức tín dụng sẽ cơ bản hoàn thành kết nối, thông tuyến tuyến đường quan trọng này, bảo đảm năm 2021 sẽ lưu thông được.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, ĐBQH đã chỉ ra rất đúng “vai trò quan trọng của khâu thực hiện”, trong đó có vai trò của Bộ GTVT, UBND tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ, các Phó thủ tướng sẽ theo dõi việc triển khai công trình này.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)