Nguyên Thứ Trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố nhưng đang ở Pháp

Google News

(Kiến Thức) - Thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bà Hồ Thị Kim Thoa đang ở Pháp. Vậy Bộ Công an sẽ làm gì để dẫn bà Thoa về nước truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật?

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu bà Kim Thoa sang Pháp và thời điểm bị khởi tố không ở Việt Nam. Dư luận đặt câu hỏi, việc tương trợ tư pháp để bắt bà Hồ Thị Kim Thoa về nước sẽ được tiến hành thế nào?
Nguyen Thu Truong Ho Thi Kim Thoa bi khoi to nhung dang o Phap
 Bà Hồ Thị Kim Thoa.
Liên quan vụ việc trên, một cán bộ điều tra cho biết, cơ quan điều tra đang làm các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp mới bắt về nước.
Theo quy định để có được sự vào cuộc và giúp đỡ của Interpol trong việc phát lệnh truy nã quốc tế, CQCSĐT Bộ Công an cần gửi Lệnh truy nã đối tượng phạm tội đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Với vai trò là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế ra thông báo truy nã quốc tế.
Cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện việc dẫn độ tội phạm với nước ngoài được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP) năm 2007 cũng như các Hiệp định TTTP về Hình sự giữa Việt Nam và các nước.
Theo luật tương trợ tư pháp năm 2007, cụ thể tại điều 20 về yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự nêu rõ, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang cư trú ở nước được yêu cầu; Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu; Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam;) Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự phải được lập thành văn bản dưới hình thức ủy thác tư pháp về hình sự theo quy định của Luật này.
Tại điều 22 quy định về thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài nêu rõ, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 18 của Luật này và gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự.
Tại điều 32 quy định rõ về dẫn độ. Theo đó, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Theo quy định, trường hợp với quốc gia mà Việt Nam chưa ký hiệp định có thể thỏa thuận trực tiếp theo nguyên tắc có đi có lại, phù hợp thông lệ quốc tế. Khi đó hai quốc gia sẽ đàm phán giải quyết vụ việc cụ thể, nhưng phải theo nguyên tắc chung của quốc tế.
Bên cạnh đó, việc từ chối dẫn độ cũng có những nguyên tắc cụ thể. Như việc các nước Châu Âu không đồng ý dẫn độ với những trường hợp mà chuyển giao người phạm tội về nước sở tại sẽ dẫn tới việc áp dụng hình phạt tử hình với người này. Ngoài ra, các nước cũng có thể từ chối dẫn độ khi việc đó ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia hoặc phụ thuộc quan hệ của các nước với nhau.
Tuy nhiên, sự việc này không ảnh hưởng bởi tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố có mức án không cao.
Hiện cơ quan này mở rộng điều tra vụ án, xác định rõ sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa và những người liên quan trong quá trình biến khu đất công thành tư với giá rẻ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thương vụ Sabeco: Tỷ phú Thái Lan có “lách luật”?

Nguồn: VTC 1

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)