Hà Nội cho phép ăn uống tại chỗ, chuyên gia y tế khuyến cáo gì?

Google News

“Trao quyền cho mỗi cá nhân, người dân nhưng Nhà nước phải tổ chức giám sát, hướng dẫn, mỗi người dân phải tự chịu trách nhiệm, tính mạng của mình, đi ăn uống tại chỗ phải tự bảo vệ bản thân” - PGS, TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện 21 điều chỉnh một số hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn trong tình hình mới.
Từ 6h ngày 14/10, UBND TP Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất; xe buýt, taxi được hoạt động; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50%; bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường…
Ha Noi cho phep an uong tai cho, chuyen gia y te khuyen cao gi?
 Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia y tế, PGS, TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, thời điểm này, công tác tuyên truyền thông tin đại chúng cần đẩy mạnh để nâng cao ý thức người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.
“Quan điểm trong Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ nêu rõ, mỗi người dân phải tự bảo vệ sức khỏe của mình, tức là trao quyền cho người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu không thực hiện tốt, khi ốm đau người dân phải chịu” - PGS, TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.
Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, người dân phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách.
“Trao quyền cho mỗi cá nhân, người dân nhưng Nhà nước phải tổ chức giám sát, hướng dẫn. Còn mỗi một người dân phải tự chịu trách nhiệm, tính mạng của mình, kể cả lúc đi ăn uống tại chỗ hay tham gia các hoạt động khác cũng phải tự bảo vệ bản thân” - ông Nga khuyến cáo.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, ý thức người dân thời điểm này vô cùng quan trọng.
“Nếu mở cửa mà người dân không nâng cao ý thức, không tự giác đeo khẩu trang, không tuân thủ 5K sẽ rất khó khăn. Trong công điện của UBND TP Hà Nội có một chi tiết rất hay. Đó là việc cho mở các dịch vụ nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Ví dụ như việc cho phép ăn uống tại chỗ nhưng không quá 50%, người dân mà có ý thức tốt sẽ rất tốt. Khi vào ăn, họ sẽ tự giác ngồi cách xa. Nếu người dân nhận thức được đầy đủ, tuân thủ tốt các quy định, chúng ta sẽ hoàn toàn chiến thắng được dịch bệnh” - bà Bùi Thị An nêu ý kiến.
PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, cùng với việc nâng cao ý thức người dân cũng kèm với quản lý tốt. Nếu người dân chưa đủ ý thức thì cần có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Khi xây dựng thành thói quen rồi thì mọi chuyện sẽ ổn định.
Người dân cần tuân thủ như thế nào để phòng chống dịch COVID-19:
Theo Công điện 21 của UBND TP Hà Nội, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.
Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.
Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Nguồn: VTV 4

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)