Gốm sứ Thanh Hà bán "chui" dầu thải: Chủ tịch Nguyễn Đức Truyền bị “xử” thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận quan tâm, với việc chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại dẫn đến các đối tượng đổ thải gây ô nhiễm môi trường, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà của ông Nguyễn Đức Truyền sẽ bị xử như thế nào?

Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có nhiều vi phạm
Liên quan vụ xả thải đầu độc nước sông Đà, biên bản kiểm tra ngày 19/10, của đoàn công tác gồm đại diện Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ… về vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty CP gốm sứ Thanh Hà cho thấy, nhiều vi phạm trong quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại tại công ty này.
Cụ thể, Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định. Công ty có kho lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, có dán biển cảnh bảo theo quy định. Tuy nhiên, công ty không đưa các téc dầu thải và các thùng dầu thải vào trong kho để quản lý theo quy định, mà lại lưu giữ tại kho vật tư của công ty, phục vụ việc tái sử dụng trong quá trình sản xuất gạch.
Tiếp đó, công ty đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định, Cụ thể, công ty cổ phần gốm sứ CTH đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho các đối tượng mang đi xử lý. Tuy nhiên, Công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ tư cách pháp nhân về chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng nêu trên.
Gom su Thanh Ha ban 'chui” dau thai: Chu tich Nguyen Duc Truyen bi “xu” the nao?
 Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: Zing.vn
Biên bản cũng nêu rõ, đại diện Công ty, ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc đã thừa nhận hành vi vi phạm trong việc quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận chất thải nguy hại trước khi chuyển giao như nội dung đã nêu.
Một ví dụ cụ thể, biên bản đã đề cập việc bà Nguyễn Thị Huyền Trang (con gái ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà) với đối tượng Lý Đình Vũ từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải.
Cụ thể, theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho ông Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1000 đồng/lít. Sáng ngày 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải. Do bà Trang đi vắng nên đã giao lại việc cho ông Trần Thành Trung (cán bộ phòng vật tư của công ty) để ông Trung chuyển giao dầu thải cho Vũ. Sau đó Vũ thuê Đại, Thám lái xe tải đến công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy gần 9.000 kg dầu thải mang đi sau đó số dầu thải này được đổ ở suối Trầm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Dư luận đặt câu hỏi, với những hành vi vi phạm trên cùng với việc “bán chui” dầu thải, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà của ông Nguyễn Đức Truyền sẽ bị xử thế nào?
Công ty gốm sứ Thanh Hà sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong trường hợp Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà biết rõ mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường", với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, trường hợp công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm nhưng vẫn có thể xem xét trách nhiệm của Công ty này đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm luật môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định số 155/2016/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại điều 21 về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trong đó có quy định nêu rõ, với những hành vi như không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau trong trường hợp các chất thải nguy hại không cùng tính chất, không cùng phương pháp xử lý hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Đáng chú ý, với hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên...
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả sẽ buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra…
Tại Điều 22. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại cũng cho thấy, hành vi không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi như không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định; không lập sổ giao nhận, nhật ký theo dõi chất thải nguy hại theo quy định; không lập hồ sơ trực tuyến theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển bằng GPS và cung cấp quyền truy cập cho cơ quan cấp phép theo quy định…
Đối với hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên.
>>> Xem thêm video: Tạm giữ 2 nghi phạm đổ trộm dầu thải đầu độc nước sông Đà

 


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)