Đường lưỡi bò phi pháp: Trung Quốc còn ngang ngược “truyền bá” vào Việt Nam... chặt đứt thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ thời gian gần đây “đường lưỡi bò” được phát hiện trong hàng loạt sản phẩm hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần “truyền bá” “đường lưỡi bò” phi pháp vào Việt Nam qua những con đường khác nhau. Vậy làm sao để chặt đứt “lưỡi bò” phi pháp?

Gần một tháng trở lại đây, “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc được cài cắm tinh vi được phát hiện trong hàng loạt các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trong nước thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây là một hiện tượng bất thường đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Theo đó, sau hàng loạt vụ việc phát hiện “đường lưỡi bò” phi pháp được cài cắm trong bô phịm hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ, trong cuốn cẩm nang du lịch Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phát cho khách, trong giáo trình dạy học của Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, trên phần mềm bản đồ chỉ đường của hàng loạt xe ô tô như xe Volkswagen, ô tô ZOTYE và BAIC, Hanteng...Mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam về việc thiết bị đổi điện mặt trời (Inverter) xuất xứ từ Trung Quốc sử dụng phần mềm chứa bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp.
Đáng chú ý, trước đó, Trung Quốc đã từng ngang ngược truyền bá “đường lưỡi bò” vào Việt Nam như vào tháng 5/2018, 14 du khách Trung Quốc mặc áo có in hình “đường lưỡi bò” khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) hay như sự việc vào năm 2016, 2 nữ du khách Trung Quốc được phát hiện sử dụng hộ chiếu in hình lưỡi bò tại TP Đà Nẵng…
Duong luoi bo phi phap: Trung Quoc con ngang nguoc “truyen ba” vao Viet Nam... chat dut the nao?
Gần đây, xuất hiện nhiều vụ "đường lưỡi bò" phi pháp trên các sản phẩm, phương tiện thông tin đại chúng. 
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng.
Do vậy, việc Trung Quốc tự vẽ ra “đường lưỡi bò 9 đoạn” phi pháp nhằm xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là hành vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế đã vấp phải sự phản đối của đa số các quốc gia trên thế giới. Thực tế yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc Trung Quốc tìm mọi cách phổ biến “đường lưỡi bò” phi pháp trên hàng loạt sản phẩm, hàng hóa, trên hộ chiếu hay lợi dụng du khách Trung Quốc in áo khi vào Việt Nam là do Trung Quốc tuyên truyền “đường lưỡi bò” của họ trong nước họ, trên cả thế giới và trong đó có Việt Nam. Bởi "Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Trung Quốc tự vẽ ra và dựa vào đó để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Dù thực tế yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
“Rõ ràng, việc các sản phẩm hàng hóa vào Việt Nam có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” thì chúng ta không thể chấp nhận được. Bởi chủ quyền biển đảo, lãnh hải đã được khẳng định. “Đường lưỡi bò” Trung Quốc tự vẽ ra bao trùm đến gần 90% diện tích Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển như Việt Nam. Bản đồ “đường lưỡi bò' trên các sản phẩm của Trung Quốc hay trên hộ chiếu là một cách tuyên truyền về đất nước của họ, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nên chúng ta không thể chấp nhận được”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thì Hải quan Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm tra gắt gao, nhất là những hàng hóa có khả năng chứa bản đồ “lưỡi bò” cao. Ngoài việc biết nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, hàng hóa đó và xem có hình lưỡi bò phi pháp hay không. Đồng thời, các cơ quan khác như ngành du lịch cũng như các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cũng cần chủ động phát hiện “đường lưỡi bò” qua con đường du lịch, xử lý nghiêm khi phát hiện hay như ngành văn hóa cũng cần đẩy mạnh kiểm duyệt phim ảnh, tránh để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp.
“Bây giờ phát hiện sản phẩm chứa hình “lưỡi bò” thì phải cương quyết xử lý. Nếu ai tuyên truyền hình ảnh ấy cũng phải bị xử lý.Làm sao chúng ta phải cương quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chúng ta phải cương quyết bác bỏ. Đồng thời hàng hóa nhập phải kiểm tra gắt gao. Cùng với đó, trách nhiệm của chúng ta là phải tuyên truyền cho người dân hiểu để có ý thức, nhận thức vấn đề đó, hiểu đường “lưỡi bò” là phi pháp, biển đảo của mình là của mình chứ không phải của Trung Quốc. Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm từ Trung Quốc không để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại Quốc hội vào chiều 31/10, ông Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu đoàn Cà Mau) nói rằng, với biển Đông, dã tâm của Trung Quốc lâu nay không từ bỏ thủ đoạn chiếm đoạt biển Đông thành “ao nhà”.
“Trung Quốc đang có 'tam chủng chiến pháp' đó là: Tâm lý, truyền thông và pháp lý. Cụ thể, về tâm lý, Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ học sinh từ trước tới nay rằng biển Đông là của Trung Quốc. Về truyền thông, Trung Quốc rêu rao khắp các diễn đàn đó là của Trung Quốc. Về pháp lý, Trung Quốc đang sửa lại, diễn đạt lại luật biển và trên thực địa đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển”, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ta cần có tam công chiến pháp để đối sách với Trung Quốc, đó là công luận, công khai và công pháp.
“Về công luận, chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ chứng minh cho dư luận thế giới biết biển Đông là của Việt Nam. Về công khai thì chúng ta phải công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, cho trong nước biết. Về công pháp là sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ công ước quốc tế cho tới cơ sở pháp lý mà luật biển Việt Nam đã quy định. Về lâu dài, ta phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Mời độc giả xem clip "Đường lưỡi bò": Vũ khí nguy hiểm cần cảnh giác cao độ - Nguồn VTC Now:
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)