Doanh nghiệp FDI khai lỗ triền miên nhưng vẫn mở rộng sản xuất

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù thua lỗ triền miên xong các doanh nghiệp FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh là biểu hiện điển hình của chuyển giá.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều 15/11, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đã nêu một số ý kiến xung quanh việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chuyển giá là một hoạt động đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý.
Theo bà Ngân, hiện nay, hoạt động chuyển giá không chỉ diễn ra ở quanh doanh nghiệp nước ngoài mà còn xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân dẫn con số thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp.
Doanh nghiep FDI khai lo trien mien nhung van mo rong san xuat
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân. Ảnh Quochoi.vn
TP Hồ Chí Minh có đến gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Lâm Đồng có tới 104 trên 111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục.
Ngay cả tỉnh Bình Dương - một trong những tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến năm 2011.
“Các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy các doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giầy, sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu, công nghiệp chế biến”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nói.
Mặc dù thua lỗ triền miên xong các doanh nghiệp FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Ngân nêu ví dụ điển hình về biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá phải nói đến Công ty Cocacola Việt Nam, Công ty Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên KeangNam - Vina.
Bà cho biết, nhằm kiểm soát tình trạng chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài, thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách, nhằm thiết lập.
Cùng với đó, dần dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ chế pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp.
Ngay từ năm 1997, 1998 đã có những văn bản thông tư, quyết định của Bộ Tài chính, các nghị định của Chính phủ, đặc biệt năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20. Đây là văn bản trực tiếp liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
“Có thể nói, với những cơ sở pháp lý này, cơ quan quản lý thuế các cấp đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, đã tổ chức được nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng và kết quả đạt được cơ bản cũng được ghi nhận”, bà Ngân nói.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế, trong các năm 2015, 2016 cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt 6.295,23 tỷ đồng, giảm lỗ được 7.491,39 tỷ đồng, giảm khấu trừ được 286,11 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 4.743,59 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, có tình trạng này là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng.
Luật Quản lý thuế hiện hành được xây dựng cách đây 10 năm đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Tuy nhiên chưa ngăn chặn được tình trạng này.
Yêu cầu đặt ra, nếu các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại dự thảo lần này vẫn kết cấu theo hướng rải rác tại các chương.
Trên cơ sở luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20/2017, đó là các nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp.
Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ thông tin dữ liệu với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết, quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài, phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
“Tôi cho rằng, với quy định như vậy cũng chưa thể hiện được sự kiên quyết, chưa đủ mạnh. Về vấn đề chuyển giá, tránh thuế tại các doanh nghiệp, khó ngăn chặn trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường”, bà Ngân nói.
Từ những phân tích trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị những quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết được kết cấu thành một chương trong luật, không giao Chính phủ quy định như dự thảo.
Đại biểu Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo có báo cáo một cách đầy đủ gửi tới đại biểu về tình trạng chuyển giá, tránh thuế của các doanh nghiệp và kết quả chống chuyển giá của các cơ quan thuế, các cơ quan chức năng để đại biểu có cơ sở thảo luận và tham gia ý kiến đối với dự thảo luật tại kỳ họp sau.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)