Copy-paste tin, bài mà không được sự cho phép bằng văn bản của các tờ báo sản xuất sản phẩm, “đại gia” 24h đang vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí cùng hàng loạt các nghị định, quy định của Bộ Thông tin truyền thông và rõ nhất là vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Ngang nhiên hoạt động như một cơ quan báo chí
Không chỉ “copy-paste”, xào xáo tin bài, trang tin điện tử 24h còn công khai hoạt động như một cơ quan báo chí khi tự ý sản xuất tin bài, vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí, gây hiểu nhầm cho độc giả.
Cụ thể, tại mục tin tức trong ngày, hầu hết các tin bài đều ghi tên tác giả như một tin bài sản xuất của các cơ quan báo chí. Chưa kể, tại không ít vụ việc, sự kiện, nhân viên trang tin điện tử 24h cũng tới tác nghiệp như một phóng viên thực thụ trong khi điều này là không được phép, vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí.
Kiểu hoạt động “lập lờ đánh lận con đen” như 24h đã thu hút quảng cáo từ nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiêm trọng ở chỗ là cách làm trái luật này khiến nhiều độc giả hiểu nhầm 24h là một tờ báo chính thống, ảnh hưởng đến môi trường hoạt động báo chí nói chung.
Mới đây, nhằm chấn chỉnh tình trạng nguy hiểm này của các trang tin điện tử nói chung, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 1432 gửi đến các cơ quan, ban ngành trên cả nước với nội dung nêu rõ, hoạt động của nhân viên trang tin điện tử như phóng viên báo chí là không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí, về thông tin điện tử trên Internet.
“Các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan Đảng và Nhà nước phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, về bản quyền. Theo quy định, những đơn vị này chỉ được trích dẫn nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức (bao gồm cả việc ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó) và không được bình luận. Việc nhân viên của các đơn vị này tham gia các cuộc họp báo, hội nghị, hội thảo do các Bộ, ngành... tổ chức để đưa tin như các cơ quan báo chí là không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí, về thông tin điện tử trên Internet”, văn bản của Bộ Thông tin truyền thông khẳng định.
Các báo có thể kiện 24h ra tòa
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, quy định tại Điều 23 của Nghị định số 47/2009/NĐ – CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có nêu rõ, hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử trên mạng Internet.
|
24h đang vi phạm luật nghiêm trọng.
|
Quy định của Bộ Thông tin truyền thông về trang tin điện tử cũng nêu rõ: các đơn vị này chỉ được trích dẫn nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức (bao gồm cả việc ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó) và không được bình luận. Tuy nhiên, tại website 24h, không chỉ lấy tin, bài không được sự cho phép của các cơ quan báo chí, đơn vị này còn vô tư xào xáo, đổi tite, phía dưới mỗi bài đều có phần bình luận về tác phẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng nên uy tín tờ báo sản xuất ra tin bài đó.
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Trưởng Văn phòng luật sư Sông Hậu, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, các báo bị 24h “copy-paste” tin bài có thể kiện 24h ra tòa vì những vi phạm của “đại gia” này. “Nguyên tắc chung, đơn vị bị vi phạm có thể kiện đòi bên kia để bồi thường, nếu chứng minh được mức độ thiệt hại. Trong trường hợp không xác định được mức độ thiệt hại là bao nhiêu thì tòa án có thể áp dụng mức bồi thường theo chỉ định”, luật sư Huỳnh Văn Nông cho biết.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Xuân Thảo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng các tờ báo bị các trang tin điện tử như 24h xâm phạm bản quyền hoàn toàn có thể đòi lại quyền lợi bằng cách yêu cầu 24h chấm dứt mọi hành vi “copy-paste” bằng văn bản, nếu đơn vị này ngoan cố, có thể kiện ra tòa án và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.
BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU