Có thể khởi tố vụ thuỷ điện Thượng Nhật để răn đe

Google News

Cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thủy điện Thượng Nhật về tội danh được quy định tại Điều 238 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
 

Vận hành thủy điện không đúng quy định
Có thể nói tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành đã không còn là câu chuyện mới mẻ.
Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người dân khi tích nước, vận hành không đúng quy định đã từng bị dư luận phản ứng gay gắt tại thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông), thủy điện Nậm Nơn (Nghệ An), thuỷ điện Plei Kần (Kon Tum)…
Phải chăng cơ chế xử lý các hành vi vi phạm này chưa đủ sức răn đe để khiến các doanh nghiệp thuỷ điện nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định?
Câu hỏi này càng khiến dư luận hoài nghi khi mới đây thêm sự việc thuỷ điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) dù chưa đi vào hoạt động, chưa được tích nước chính thức nhưng trước tình hình mưa lũ diễn biến khó lường vẫn ngang nhiên không tuân thủ điều tiết lũ, không xả các cửa van như chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Co the khoi to vu thuy dien Thuong Nhat de ran de
 

Co the khoi to vu thuy dien Thuong Nhat de ran de-Hinh-2
Thuỷ điện Thượng Nhật dù chưa chính thức hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên tích nước, bất chấp tình hình mưa lũ và nhiều lần chỉ đạo của chính quyền địa phương. 
Vi phạm này xảy ra nhiều lần khiến bộ Công Thương phải thành lập ngay đoàn công tác vào cuộc kiểm tra việc quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện này.
Sau quá trình kiểm tra tại công trình, đoàn công tác đã chỉ ra chủ đầu tư vi phạm 2 lỗi là không thực hiện quan trắc và vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra của bộ Công Thương đã đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực với thuỷ điện Thượng Nhật, đồng thời chủ đầu tư còn phải đối diện với mức phạt 130 triệu đồng cho 2 hành vi vi phạm nói trên.
Tuy nhiên, liệu việc xử phạt này đã đủ sức răn đe, làm gương cho các thuỷ điện khác?
Xử lý nghiêm khắc để răn đe
Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã đến lúc cơ quan hành pháp tỉnh Thừa Thiên -Huế nên đi tiên phong lấy việc xử lý nghiêm khắc trường hợp thuỷ điện Thượng Nhật để răn đe về hành vi vi phạm các quy định về tích nước và vận hành với các thuỷ điện vừa và nhỏ.
Dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng với hành vi vi phạm nhiều lần của thuỷ điện Thượng Nhật, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố tại Điều 238 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, với hành vi vận hành hồ chứa không đúng quy trình vận hành hồ chứa mà không thuộc trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và mặc dù hành vi trên chưa gây ra một trong các hậu quả được nêu tại khoản 1 Điều 238 Bộ luật Hình sự (BLHS), nhưng căn cứ theo quy định tại Điều 15 BLHS, thì cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt của tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS.
Trong trường hợp hành vi nêu trên là do cá nhân thực hiện thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên với mức hình phạt cao nhất là 1 năm 6 tháng tù theo quy định khoản 1 Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS. Nếu có tình tiết khác thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2, 3 Điều 238 BLHS thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao hơn.
Trường hợp công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 75 BLHS thì công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam có thể đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tư cách là pháp nhân thương mại về tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS.
Theo đó, Công ty sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, còn có thể bị phạt áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (nếu không áp dụng là hình phạt chính), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Như đã đưa tin, thủy điện Thượng Nhật là công trình thủy điện nhỏ với công suất lắp máy (2 tổ máy) 11MW, nhưng vẫn chưa chính thức hoạt động, dù đã được triển khai 12 năm.
Theo sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay công trình thủy điện này mới chỉ được UBND tỉnh cấp phép cho tích nước giai đoạn 1 để thử nghiệm trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi được cấp phép hồi tháng 1/2020. Trước đó, thủy điện Thượng Nhật đã tự ý tích nước khi chưa được phép, không xả tất cả các cửa van để đón lũ, bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng. UBND huyện Nam Đông đã phải gửi báo cáo, kiến nghị can thiệp khẩn từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan công an đã cử lực lượng vào hiện trường giám sát.
Ngày 18/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã lập biên bản vi phạm về tài nguyên nước theo Nghị định 36/2020/ND-CP đối với thuỷ điện Thượng Nhật vì hành vi tích nước trái phép. Trước đó, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không chấp hành công điện về phòng chống bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đơn vị này tự ý tích nước trái phép gây mất an toàn hồ đập và vùng hạ du, gây bức xúc dư luận.
Theo Lê Kông/Người Đưa TIn

>> xem thêm

Bình luận(0)