Buôn bán trái phép bộ kit test nhanh COVID-19: Bị xử lý thế nào?

Google News

Lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, một người phụ nữ đang có hành vi bán kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 31/7, Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết vừa bắt quả tang Nguyễn Thị Xuân Hương (20 tuổi, trú khu phố 1, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) đang có hoạt động kinh doanh 50 bộ kit test nhanh COVID-19 nhãn hiệu SGTi-Flex COVID-19 Ag (của Hàn Quốc).
Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Thị Xuân Hương không cung cấp được các loại giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hiện Công an thành phố Tuy Hòa đã tạm giữ 50 bộ kit test nhanh này, đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Buon ban trai phep bo kit test nhanh COVID-19: Bi xu ly the nao?
Công an thành phố Tuy Hòa làm việc với Nguyễn Thị Xuân Hương. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ có thể sẽ bị xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ tang vật. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được đây là hàng giả hoặc hàng lậu số lượng lớn thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Theo Khoản 1, Điều 18, Thông tư 39/2014/ TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định: 'Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn'. Điều này đồng nghĩa: các hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tổng giá thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì bắt buộc bên bán phải lập hóa đơn cho bên mua.
Như vậy, nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có thể bị xử phạt đến 100.000.000 triệu đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, có thể xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguồn gốc hàng hóa, nếu có căn cứ chứng minh hàng hóa đã được nhập khẩu qua biên giới thì có thể xử lý về hành vi buôn lậu nếu như hàng hóa này không được khai báo hải quan" -luật sư Cường phân tích.
Hiện vụ người phụ nữ buôn bán trái phép bộ kit test nhanh COVID-19 đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>>> Xem thêm video: Cẩn trọng người dân tự mua sử dụng kit test nhanh COVID-19

Nguồn: ANTV.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)