Bí thư Hà Nội nói về xả thải đầu độc nước sông Đà: Trách nhiệm thuộc về ai?

Google News

(Kiến Thức) - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp. Bởi chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.

Chiều 22/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ xả thải đầu độc nước sông Đà, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố, doanh nghiệp đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm từ vụ việc trên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp. Bởi chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.
Trách nhiệm thứ 2 theo Bí thư Hoàng Trung Hải là thuộc về công an các địa phương.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội cho rằng, chúng ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Cho nên sau vụ này phải quan tâm hơn. Đồng thời, dù có hệ thống an ninh thì vẫn phải xem toàn bộ hệ thống quan trắc vì vẫn có thể xảy ra nguy cơ mất an ninh, an toàn.
Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, phải xem lại toàn bộ hệ thống quan trắc và bản thân ông cho rằng, hiện hệ thống đó rất thiếu. Đặc biệt, dù cứ ở đâu, kể cả được đảm bảo an ninh, thì cũng có thể xảy ra chuyện mất an ninh, an toàn. Bởi vậy, khi có sự cố, hệ thống nào sẽ phát hiện ra.
Do vậy theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần phải chia trách nhiệm từng công đoạn một trong bảo vệ nguồn nước.
Bi thu Ha Noi noi ve xa thai dau doc nuoc song Da: Trach nhiem thuoc ve ai?
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
“Đối với doanh nghiệp, trong một nhà máy từng phân xưởng lại chia ra, phần nhận nước đầu nguồn như thế nào, phần nước xử lý thế nào... chứ không thể để có toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không. Rồi nhà phân phối, cũng phải có hệ thống quan trắc riêng", ông Hoàng Trung Hải nêu rõ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chia sẻ những bức xúc chính đáng của người Hà Nội gần nửa tháng qua, đặc biệt khi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nước không được tôn trọng và khẳng định, những đòi hỏi của dân là đúng.
Đồng thời nhấn mạnh, các nơi phân phối cũng phải làm, có hệ thống quan trắc để phát hiện ra. Khi cấp nước như thế, doanh nghiệp phải bảo đảm cho người dân về chất lượng nước. Vậy thì anh chịu trách nhiệm bằng cách nào thì phải giải trình với cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp quan trắc tự động về chất lượng nước thế nào, qua mấy khúc, đến người dân là qua mấy hàng rào? Bên cạnh đó, ngoài quan trắc tự động phải lấy mẫu thủ công. Tất cả cần phải rà soát lại hết, quy trình hóa, quy phạm hóa.
“Qua một vụ việc này, người dân cũng quan tâm hơn, "ông" có để xảy ra lần sau không hay xin lỗi lần nữa. Đó là việc thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, sau đó, ra các quy định. Thành phố phải rà soát lại để không xảy ra nữa. Hà Nội có 10 triệu dân, để xảy ra sự việc này là rất đáng tiếc. Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục, không xảy ra.
Nói về việc Hà Nội có quy trình ứng phó các loại thảm họa hay không, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố có quy định tất cả các loại thảm họa, từ đó có các kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Bi thu Ha Noi noi ve xa thai dau doc nuoc song Da: Trach nhiem thuoc ve ai?-Hinh-2
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nói rằng, những đòi hỏi của dân là đúng. 
"Hà Nội nhìn thấy vấn đề rồi nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra và có nhiều chuyện. Kể cả ô nhiễm không khí, cả nguồn nước...cũng đã xảy ra, đấy là những thứ chúng ta tiếp tục phải làm khẩn trương quyết liệt hơn bởi thảm họa có thể xảy ra bất cứ ngày nào", ông Hoàng Trung Hải nói và khẳng định, nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đạt chuẩn cho người dân, lúc nào mình cũng có quyền cắt, không cho họ quyền cấp nước nữa. Khi doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu.
Nói về việc phản ứng của Hà Nội chậm trong các sự cố, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, về chuyện đó, Thủ tướng cũng nói rồi. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm.
“Ở đây có vấn đề ở phân công, phân nhiệm xử lý thông tin, phối hợp với cơ quan liên quan. Trong bất cứ việc gì, thường bao giờ cũng hổng ở khâu phối hợp. Do đó, cần quy phạm hoá, quy trình hoá. Sau có chuyện xảy ra, lại chả biết ai nói là đáng tin. Tất cả những cái đó phải đánh giá, điều chỉnh cho nó đúng. Cũng có thể không hết được, nhưng sẽ tốt lên", ông Hải cho biết.
Liên quan vụ việc trên, chiều 22/10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết, đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, UBND Thành phố đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20L nếu ai có nhu cầu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Bộ luật Hình sự đã quy định xử lý pháp nhân nên nếu Công ty nước sạch sông Đà vi phạm nghiêm trọng có thể xử hình sự. Người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.
Đồng thời nhấn mạnh, tuy không nằm trong phạm trù an ninh quốc gia, nhưng an ninh nguồn nước lại tác động lớn đến an ninh quốc gia và đánh giá sự vào cuộc của chính quyền trong vụ việc này là không kịp thời. Việc này xuất phát từ nhận thức và tính chủ động trong việc xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
Đại biểu Hồng cũng nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm và cho rằng hai chữ “trách nhiệm” vẫn luôn ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, chỉ quy vào tập thể và không giải quyết được căn cơ các vấn đề liên quan. Do vậy ông Hồng cho rằng, trước hết cần phải có quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Trong câu chuyện trách nhiệm, ông Hồng cho rằng rõ ràng người đứng đầu địa phương, ở đây là Chủ tịch UBND Hà Nội, phải vào cuộc ngay tức thì. Việc mất nước xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên lãnh đạo TP cần phải vào cuộc ngay để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
“Sự cố diễn ra trong nhiều quận, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mà người dân bức xúc, có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự. Thậm chí một số người còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ… Vì vậy, vai trò của người đứng đầu địa phương rất lớn”, ông Hồng nói
Không chỉ có Hà Nội, theo ông phản ứng của chính quyền tỉnh Hòa Bình, nơi hoạt động của Công ty nước sạch sông Đà, cũng rất chậm trễ.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)