Bạch Ngọc Chiến, Đoàn Ngọc Hải: Lựa chọn “từ quan”, sự thật trông thấy...

Google News

(Kiến Thức) - Từ việc ông Bạch Ngọc Chiến, ông Đoàn Ngọc Hải thôi làm công việc nhà nước, xin ra ngoài làm cho tư nhân, dư luận đặt câu hỏi, lựa chọn "từ quan" làm tư có nên?

Ngày 1/7, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Bạch Ngọc Chiến chính thức làm việc tại EQuest với chức danh Phó Chủ tịch Tập đoàn, phụ trách Chiến lược.
Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT EQuest Education Group (EQuest) đã xác nhận thông tin trên. Với cương vị này, ông Chiến sẽ cùng Ban lãnh đạo EQuest hoạch định chiến lược tăng trưởng và phát triển mạng lưới đối tác trong và ngoài nước.
Cách đây một tuần, sự việc ông Bạch Ngọc Chiến bất ngờ thông báo “từ quan” chuyển sang làm công ty tư nhân khiến dư luận quan tâm. Bởi ông Chiến là người có 23 năm làm cán bộ Nhà nước và trải qua nhiều chức vụ sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội như cán bộ Bộ Ngoại giao năm 1997, Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Ông Chiến cũng là 1 trong 44 cán bộ được Trung ương luân chuyển vể địa phương được kỳ vọng.
Bach Ngoc Chien, Doan Ngoc Hai: Lua chon “tu quan”, su that trong thay...
Ông Bạch Ngọc Chiến. 
Dù chia sẻ trên trang cá nhân, nói về lý do thôi làm cán bộ nhà nước, ông Bạch Ngọc Chiến cho biết, khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn của ông đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Chiến là người luôn được đánh giá cao khi có nhiều kinh nghiệm về du lịch, giáo dục, ngoại giao, truyền thông, quản lý cao cấp ở cả cấp tỉnh và trung ương...
Trường hợp ông Bạch Ngọc Chiến “từ quan” khiến nhiều người nhớ đến ông Đoàn Ngọc Hải, cựu Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM). Ông Hải từng được ví như “người hùng” trong cuộc chiến dành lại vỉa hè, được đánh là cán bộ dám nói dám làm và thực tế hành động quyết liệt của ông khi đó đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, ngày 8/1/2018, ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ xin từ chức.
Dù sau đó, ông Hải đã rút đơn từ chức do được sự động viên, an ủi, kỳ vọng và sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo nhưng sau đó, ngày 4/6/2019, ông Đoàn Ngọc Hải gửi đơn từ chức lần 2, chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Sau 3 tháng kể từ ngày nộp đơn, TP.HCM đã chấp thuận để ông Đoàn Ngọc Hải được thôi chức vụ.
Sau khi thôi chức vụ, ông Hải trở về cuộc sống đời thường và tiếp tục với công việc kinh doanh mà bố mẹ để lại. Ông Hải cũng dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Từ trường hợp của ông Bạch Ngọc Chiến, ông Đoàn Ngọc Hải cũng như nhiều trường hợp khác xin thôi làm cán bộ nhà nước, dư luận đặt câu hỏi, lựa chọn “từ quan” ra làm tư có nên?
Trao đổi với PV Kiến Thức, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, có ý kiến cho rằng, hiện nay công việc của nhà nước hay tư nhân đều mang tính phục vụ cho dân, cho nước, mang lại lợi ích.
“Làm việc trong nhà nước là công việc công, còn làm việc cho doanh nghiệp tư nhân là công việc tư. Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chú trọng đối với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Tôi cho rằng, cán bộ không làm việc nhà nước mà chuyển sang làm cho tư nhân đây là việc bình thường và nên ủng hộ. Khi anh đang làm việc cho nhà nước vì lý do nào đó anh không còn muốn làm việc mà xin ra ngoài làm việc cho tư nhân nhưng tuyệt đối không được xin ra khỏi Đảng. Bởi những người nếu xin ra khỏi Đảng thì đó là những người có thể sa vào diễn biến về chính trị, tư tưởng. Còn những cán bộ nhà nước cảm thấy không còn muốn cống hiến, muốn xin ra ngoài làm việc thì là chuyện bình thường” - đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Theo đại biểu Hòa, việc cán bộ xin ra khỏi nhà nước để làm cho tư nhân hiện nay rất nhiều, không riêng gì ông Bạch Ngọc Chiến và ông Đoàn Ngọc Hải.
“Rất nhiều cán bộ hiện nay trong vấn đề tinh giản biên chế, những cán bộ trong nhà nước không muốn làm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Những cán bộ này họ muốn ra ngoài làm cho tư nhân thì không phải mới. Tùy mỗi người họ cảm thấy công việc thích hợp với bản thân như thế nào. Quan trọng họ có quan điểm tư tưởng, lập trường. Họ làm việc cho ai, cống hiến thế nào nhưng vẫn trung thành với Đảng thì đó mới là việc cần thiết. Còn làm việc trong nhà nước hay tư nhân tùy theo suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ông Bạch Ngọc Chiến tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994 và lấy bằng Thạc sĩ về quan hệ ngoại giao tại Đại học Monash (Australia) năm 2000. Ông cũng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội. Hiện ông đang học chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Kinh doanh Shidler của Đại học Hawaii (Mỹ).
Về quá trình công tác, ông Chiến khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh và sau đó là hướng dẫn viên du lịch (1994-1996). Ông thi công chức Bộ Ngoại giao cuối năm 1996 và kể từ đó đã kinh qua các vị trí: Chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao; Tuỳ viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại Bộ Ngoại giao; Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Từ ngày 1/7/2020, ông Chiến làm việc tại Tập đoàn giáo dục Equest.
EQuest là một trong những tổ chức giáo dục tư nhân ở Việt Nam với hơn 80.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm tại 16 đơn vị thành viên, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, các trường phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, chuẩn bị du học và các công ty về công nghệ giáo dục.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đón nhận cán bộ chiến sĩ quân đội Hoàng gia Campuchia sang Việt Nam học tập
 

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)