Ghép ảnh đăng Facebook khiến bạn tự tử: Đùa ác!

Google News

(Kiến Thức) - "Trò đùa ghép ảnh đã dẫn đến cái chết oan nghiệt của nữ sinh, đồng nghĩa với việc trò đùa đã gây nên tội ác", PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Bị ghép ảnh chân dung vào tấm hình quảng cáo in ảnh cô gái mặc áo cổ rộng, T.L.- một nữ sinh vừa học xong lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội, đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trò đùa ghép ảnh. Trước đây, ở Hà Nội cũng từng có thời gian, giới học sinh xôn xao việc nữ sinh có clip sex, có ảnh nóng khiến một số nữ sinh bị ghép ảnh, bị gieo tin đồn… điêu đứng. Chia sẻ với Kiến Thức, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, cộng đồng không thể hồn nhiên mãi với những trò đùa ác, đùa tai quái của các bạn trẻ được.

 PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích: “Thứ nhất, trò đùa ghép ảnh đã dẫn đến cái chết oan nghiệt của nữ sinh, đồng nghĩa với việc trò đùa đã gây nên tội ác. Thực ra, bạn trẻ thực hiện hành vi, có thể không nghĩ được trò đùa của mình sẽ dẫn đến kết cục đen tối như thế. Việc làm đó thể hiện sự nông nổi, bề ngoài là xâm phạm đời tư, nhưng thực chất còn là việc xâm phạm nhân cách, phẩm chất đời sống của người khác.

Đùa cợt kiểu đó thể hiện sự thiếu ý thức, thái độ dửng dưng trước nỗi đau, liêm sỉ, danh dự của người khác. Bạn trẻ đó thiếu chín chắn về ý thức luật pháp, về thái độ đối với người khác, đối với cộng đồng, với xã hội. Hiện nay, người ta kêu lên rằng sự vô cảm đầy rẫy trong xã hội, xuất phát từ sự vô tâm thiếu hiểu biết, kiến thức, kỹ năng”.

Trong trường hợp này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có thể khái quát hành vi của nam sinh bằng hai từ: Đùa ác! Đùa ác xuất phát từ việc thiếu tôn trọng người khác, biến những thứ nghiêm trang thành những trò hài hước, dẫn đến tội ác. Hành vi này đáng lên án, đáng nhận sự phẫn nộ của cộng đồng. 

"Tôi chắc rằng không có điều khoản nào có thể truy tố nam sinh ghép ảnh trêu bạn ra tòa. Thế nhưng điều còn để lại là nỗi đau, với bạn bè và đặc biệt với người lớn, đây thực sự là bài học cảnh tỉnh”, ông nhấn mạnh. 

Về quyết định tự tử của em nữ sinh, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có thể vì áp lực quá căng thẳng của việc học tập, những quan hệ căng thẳng mà nữ sinh phải gánh chịu, sức khỏe thể chất và tinh thần đang bải hoải, cộng thêm gặp sự cố đó khiến em lựa chọn sai lầm.

 Lá thư của nữ sinh T.L. có nhắc đến nguyên nhân tự tử.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, nữ sinh có hành vi phản kháng một cách yếu ớt. Sự phản đối không trực tiếp, lại cực đoan là công bố tự tử và tự tử thật phản ánh cá nhân có tính cách mỏng manh, dễ vỡ. Có thể xem đây là người tự trọng, tự ái, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, việc mang mạng sống của mình ra mặc cả là thiếu chín chắn, thiếu trưởng thành, và đặc biệt là không có kỹ năng chống lại rủi ro, chống lại sự đe dọa trong đời sống hàng ngày.

"Sự đe dọa này thực chất không đến mức phải trả giá bằng sinh mạng của mình, trò đùa đó không đến mức khiến nữ sinh đó phải kết thúc cuộc sống của mình. Mặc cả bằng mạng sống của mình là việc làm cho thấy sự non yếu, thiếu chín chắn, vững bền của một tính cách”, ông cảnh báo.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, cái chết của nữ sinh có một phần trách nhiệm của chính nữ sinh. Nữ sinh này không có kỹ năng về sống sót, phòng ngừa sự xâm hại, rủi ro đến với cuộc sống của mình. Tưởng như việc tự ái là quý trọng bản thân nhưng thực chất, việc quyên sinh mới cho thấy, họ không thực sự quý giá sự sống của mình.

Tuy nhiên, sau câu chuyện buồn ấy là trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình, nhà trường.

“Với cả cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, chúng ta không thể “hồn nhiên” mãi với những trò đùa tai quái như vậy. Việc sử dụng những điều kiện hiện có về phương tiện công nghệ thông tin, dùng trang mạng xã hội đùa cợt, chế giễu người khác cho thấy sự thiếu chín chắn, nông nổi của một bộ phận giới trẻ. Vậy, cộng đồng đừng coi những điều nhỏ nhặt của cuộc sống là tầm thường, bởi chính những điều đó có thể gây ra những xung đột, va đập mạnh mẽ, gieo tai rắc họa, làm những thành viên khác trong xã hội bị tổn thương.

Qua đây, các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm, nên biết con mình đang chơi với ai, làm gì. Đặc biệt, với những trẻ ở tuổi vị thành niên, tuổi muốn khẳng định mình, có nhiều lúc thấy đơn côi, lẻ loi, thiếu hậu thuẫn thì chính vòng tay ấm áp của những người yêu thương, sự tin cậy, việc khuyến khích, động viên… của người lớn có thể níu giữ các bạn ở trên đời”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhắn nhủ.

Theo tài liệu của cơ quan công an, T.L. - nữ sinh vừa học xong lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội đã bị H., một bạn nam cùng lớp, chụp ảnh chân dung rồi ghép mặt vào một hình cô gái xinh đẹp khác mặc áo cổ rộng, tung lên mạng xã hội. Phát hiện sự việc này, T.L. đã đề nghị H. gỡ ảnh xuống nhưng vì cho đây chỉ là trò đùa vui nên H. không làm theo đề nghị của TL. T.L. đã mua thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng ngày 1/7, T.L. đã không qua khỏi.

Công an huyện Thạch Thất đến xác định hiện trường, tổ chức điều tra và đã thu giữ tờ giấy do L viết trong thời gian điều trị ở bệnh viện. Theo người nhà nạn nhân, lúc này do sức khỏe yếu không thể nói chuyện nên L đã tự viết lại toàn bộ sự việc.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy

Bình luận(0)