Lương thấp thế sao công chức vẫn sống được!

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, "chẳng ai chết vì lương tối thiểu không đáp ứng nổi nhu cầu tối thiểu cả".

Ủy ban Các vấn đề xã hội vừa gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết về y tế, lương thưởng, giải quyết việc làm. Theo đó, mức lương tối thiểu cho khu vực công năm 2012 chỉ đáp ứng 38,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Người ta vẫn sống đàng hoàng đấy thôi!

Tôi xin bắt đầu cuộc trò chuyện từ những con số mà Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra mới đây. Mức lương tối thiểu (1,15 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng được 38,4% nhu cầu tối thiểu. Ông bình luận gì về điều này?

Cần thấy rằng, con số đó được nêu lên dựa trên các công trình nghiên cứu về vấn đề tiền lương và thu nhập của cán bộ công nhân viên chức. Mức lương này quá thấp nên mới có cải cách tiền lương và đã có lộ trình để tăng. Lương tối thiểu phải là mức cơ bản nhất để đáp ứng cuộc sống của con người. Nhà nước biết vậy, nhưng nó không được như mong muốn. Vì thế, thống kê đó cũng là điều không mấy bất ngờ, nhất là mức sống dân cư càng ngày càng cao, nhu cầu sống tối thiểu cũng tăng.

Chuyện lương không đủ sống đã được nói nhiều. Nhưng để đến mức quá nửa nhu cầu tối thiểu phải trông chờ từ nguồn khác ngoài lương kể cũng đáng phải... giật mình, thưa ông?

Lương tối thiểu được xây dựng trên cơ sở đối với người làm công việc đơn giản nhất, đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất của người lao động. Nhưng số người hưởng lương bậc 1 có rất ít nếu không muốn nói là hầu như không có. Thực tế thì cũng chẳng ai chết vì lương tối thiểu không đáp ứng nổi nhu cầu tối thiểu cả, thậm chí người ta vẫn sống đàng hoàng đấy thôi!

Phải chăng ông đang ám chỉ những nguồn thu tiêu cực?

Không hẳn. Hiện nay, công chức của ta đang sống bằng nguồn thu nhập chính thức (tổng thu nhập nhận được từ tiền lương và do công việc mang lại) và nguồn thu nhập thông qua việc tham gia hoạt động kinh tế khu vực phi chính thức. Ví dụ, tôi có những người bạn là công chức, ngoài 8 tiếng họ làm trong cơ quan hành chính thì hằng ngày, sáng sớm, họ ra chợ đầu mối cất hàng về bán lại, 7h30 đã có mặt ở cơ quan. Đấy là nguồn thu chính đáng và có khi khiến người ta sống được đàng hoàng. Những nguồn thu tiêu cực không thuộc hai diện này. 

Theo ông, số lượng công chức sống từ nguồn thu không chính đáng có nhiều không?

Điều này thì khó có thể nói một cách chính xác, nhưng theo các báo cáo liên quan đến vấn đề chống tham nhũng thì tôi e con số đó không nhỏ đâu.

Ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội
của Quốc hội.

Con số Phó Thủ tướng đã nêu!

Theo như ông lập luận thì sẽ có 61,6% nhu cầu tối thiểu được đáp ứng từ nguồn thu từ khu vực kinh tế phi chính thức. Một nền hành chính công vụ mà nguồn thu để đáp ứng cuộc sống của cán bộ, công chức phần lớn từ khu vực kinh tế phi chính thức như thế có phải là bất thường?

Trước hết, cần thấy rằng nguồn thu này của đội ngũ công chức thì nước nào cũng có, chỉ có điều tỉ lệ ở mức nào. Ở ta, nguồn thu này quá lớn một mặt phản ánh nền kinh tế công nghiệp của chúng ta chưa phát triển, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, điều đó cho thấy tiền lương còn thấp, chưa đủ trang trải nên ngoài thời gian làm việc công, người công chức đáng lẽ phải được nghỉ, được vui chơi tiêu khiển... thì lại phải đi làm thêm để bù đắp cho nhu cầu của cuộc sống. Bên cạnh đó là chuyện quản lý hành chính còn buông lỏng. Biên chế nói giảm nhưng vẫn tăng. Chúng ta vẫn còn luẩn quẩn, chưa thể giải quyết được vấn đề này dù đã nhận thức được và có đề án giải quyết nó từ lâu rồi.

Và nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quản lý hành chính công, khi mà người ta vẫn phải lo tìm nguồn thu không chính thức để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu?

Đương nhiên. Tôi cho rằng nó có mối liên quan nhất định đến con số 30% công chức không có cũng được mà chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu.

Lâu nay, chuyện lương không đủ sống, lương chưa tăng mà giá cả đã tăng được nói đến rất nhiều nhưng hầu như chưa có thống kê cụ thể. Việc Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra con số thống kê trên hẳn cũng có ít nhiều giá trị?

Có chứ. Đó sẽ là tín hiệu để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về chuyện cải cách tiền lương và việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Theo ông thì con số đó có đáng lo?

Đáng lo quá đi chứ! Vì như thế thì người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Lương thấp thế, sao công chức vẫn sống được! Thậm chí là sống tốt.

Công chức: làm ít nhưng đòi lương cao

Như ông vừa nói thì tiền lương không đủ sống buộc người ta phải tự xoay sở, tìm kiếm những nguồn thu phi chính thức, trong đó có cả những nguồn thu không chính đáng. Nhưng chẳng lẽ bây giờ cứ đổ cho lương thấp, vì nhu cầu sống thì càng tăng lên mà quỹ lương thì chỉ có thế, để rồi nhũng nhiễu, tham ô?

Ở ta hiện nay, lương vẫn bị kêu ca là thấp, không đủ sống nhưng thực ra lại rất cao. Vì nói là làm 8 tiếng/ngày nhưng có khi anh chỉ làm 1 - 2 tiếng/ngày. Do đó, không thể đổ hết cho lương được. Việc cải cách tiền lương phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn trả lương. Song, tư duy của ta hiện nay dù muốn hưởng dịch vụ tốt nhưng lại không muốn đóng góp gì cả. Vậy thì người cung cấp dịch vụ lấy gì để cải thiện tiền lương? Đáng lo là tư duy này cũng tồn tại ngay cả trong một bộ phận cán bộ công chức.
 
Nghĩa là bây giờ phải đổi mới tư duy?

Đúng.

Nhưng thay đổi tư duy là vấn đề không đơn giản?

Đúng thế. Ta muốn thay đổi, muốn khắc phục nhưng tiền chỉ thế thôi, năng suất lao động cũng chỉ có thế, trình độ quản lý cũng thế, rồi thì biến động kinh tế khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Ngay chuyện tinh giản biên chế ta đã nói đến từ năm 1958 nhưng đến giờ vẫn đặt lên bàn Quốc hội và Chính phủ đấy thôi. 

Người ta đã nói nhiều đến chuyện tinh giản biên chế để tăng lương. Thế nhưng, hầu như tình hình chẳng mấy thay đổi!

Về mặt logic, người ta cho rằng khoản ngân sách dành cho tiền lương chỉ có ngần này mà phải chia đều cho cả 30% không làm được việc là không hợp lý. Nhưng việc cắt giảm 30% ấy sẽ phải làm ra sao, giải quyết công việc cho họ thế nào, những người ở lại có đảm đương hết được công việc của 30% người đã ra đi ấy? Thay đổi tư duy là việc rất khó nhưng vẫn cần phải làm kiên quyết. Và thực tế, chúng ta đang làm rồi đấy, vấn đề là cần phải làm mạnh mẽ, kiên quyết hơn.

Từ ngày 1/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chính thức thành lập. Liệu người ta có quyền hy vọng vào một chính sách tiền lương mới mà khoảng cách với nhu cầu sống tối thiểu được rút ngắn?

Chúng ta có quyền hy vọng. Chỉ có điều, phải làm sao để Hội đồng này hoạt động có hiệu quả, được phát huy vai trò độc lập trong việc xử lý vấn đề tiền lương. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Quyền lao động là quyền của mọi người. Quan trọng là quản lý công thế nào để công chức làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình một cách có hiệu quả. Không nên ngăn cản việc họ tham gia làm thêm bên ngoài vì lao động đó cũng giúp ích cho xã hội. Khi nào tư duy thay đổi, khiến mức lương công chức nhận được tương xứng với công sức bỏ ra thì bộ máy nhà nước khi đó nghiễm nhiên sẽ nâng cao hiệu quả, người dân, đất nước sẽ được lợi".
Ông Lương Phan Cừ

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)