Ukraine bắt tay Ba Lan phát triển tên lửa phòng không

Google News

(Kiến Thức) - Ukraine và Ba Lan đang hợp tác cùng nhau phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp sử dụng đạn R-27.

Tờ Military Informant cho biết, công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukroboronprom của Ukraine đã đề xuất với Ba Lan về việc hợp tác phát triển chung hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp. Tổng giám đốc Ukroboronprom, Roman Romanov đã đề xuất ý kiến với Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bartoszowi Kownackiemu.

Phía Ukraine dự định sử dụng tên lửa không đối không R-27 để phát triển thành hệ thống phòng không phóng từ mặt đất. Hệ thống phòng không này được gọi là R-27ADS. Bản vẽ thiết kế và hình mẫu đồ họa đã được công ty Artem giới thiệu.

Phiên bản hợp tác chung giữa 2 nước có thể có tên gọi là Narva. Radar tìm kiếm mục tiêu, radar điều khiển hỏa lực, cảm biến quang-điện tử phụ trợ, trung tâm chỉ huy lưu động và hệ thống thông tin sẽ được sản xuất tại Ba Lan. Tên lửa và phương tiện mang phóng, các thiết bị phụ trợ sẽ sản xuất tại Ukraine.

Ukraine bat tay Ba Lan phat trien ten lua phong khong
Đồ họa hệ thống tên lửa phòng không R-27ADS. Đồ họa: Military-informant 

Nguyên mẫu hệ thống có thể được trưng bày cùng với radar của Ba Lan trong tháng 6/2017. Sau đó, hệ thống sẽ được tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm với sự tham gia của công ty Polską Grupą Zbrojeniowa và công ty điện tử WB Electronics.

Mẫu thử nghiệm hoàn chỉnh dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2018, quá trình kiểm tra ban đầu có sự tham dự của đại diện Bộ Quốc phòng Ba Lan sẽ diễn ra trong tháng 10/2018. Việc thử nghiệm trên thao trường sẽ bắt đầu từ tháng 11/2018, sản xuất hàng loạt dự kiến từ tháng 11/2019.

Thông số kỹ thuật của hệ thống vẫn chưa được công bố. Nguyên bản tên lửa không đối không R-27 có tầm bắn 130 km. Tuy nhiên, đây là khi sử dụng phóng từ trên không, khi tên lửa phóng lên từ mặt đất sẽ chịu lực kéo, cũng như lực cản lớn do mật độ không khí dày đặc sát mặt đất.

Đông cơ tên lửa sẽ phải hoạt động nhiều hơn để thắng lực kéo, do đó phạm vi hoạt động của tên lửa cũng bị giảm theo. Ưu điểm của việc chuyển đổi tên lửa không đối không sang không đối đất là tận dụng được thiết kế sẵn có đã chứng minh thành công.

Cảm biến, thiết kế khí động học của tên lửa đã được tối ưu nên việc chuyển sang phóng từ mặt đất sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro so với phát triển tên lửa mới. Đây cũng là xu hướng được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Đặc biệt, Việt Nam hiện cũng đang có đề tài phát triển tổ hợp phòng không dùng tên lửa không đối không P-13M.

Quốc Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)