Tàu sân bay Nhật là "hạt nhân" cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Google News

Chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở" mà Mỹ kêu gọi được Nhật Bản ủng hộ, nhưng Ấn Độ, Australia và các nước ASEAN tỏ ra thận trọng, tránh đối đầu với Trung Quốc.

Có mặt tại căn cứ hải quân Changi của Singapore vào tuần trước, tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản thu hút nhiều ánh nhìn. Được đưa vào sử dụng từ năm 2015, Izumo được coi như hình ảnh thành công của Nhật Bản với tư cách là cường quốc ở khu vực.
Là tàu chiến lớn nhất trên mặt nước của Tokyo, theo chuyên gia William Choong của IISS, Izumo là tâm điểm cho những chỉ trích từ Bắc Kinh, khi Trung Quốc coi việc Nhật Bản đưa vào sử dụng tàu sân bay là đi ngược lại với hiến pháp hòa bình của nước này. Tokyo thì khẳng định Izumo "chỉ là" tàu sân bay trực thăng, và hoàn toàn tuân thủ theo bản hiến pháp được diễn đạt theo cách mới của nước này, trong đó cho phép triển khai các khí tài quân sự để phục vụ phòng thủ.
Vì lẽ này, Nhật Bản đã tăng cường hoạt động của tàu sân bay Izumo và con tàu sinh đôi của nó là Kaga. Ba năm qua, hai tàu sân bay trực thăng của Tokyo đã có nhiều chuyến đi và hoạt động kéo dài hàng tháng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khẳng định quyền cơ bản của Nhật và các quốc gia phụ thuộc vào thương mại đối với việc tự do di chuyển trên biển.
Vai trò ngày càng gia tăng của Tokyo
Tự do hàng hải cũng như thịnh vượng kinh tế và đảm bảo ổn định cho khu vực là những trụ cột trong "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở" của Nhật Bản. Điểm nhấn trong lịch trình năm nay của tàu Izumo tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là đầu tháng 5, khi 6 tàu của Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ thực hiện các cuộc tập trận ở Biển Đông.
Tau san bay Nhat la
 Tàu sân bay trực thăng Izumo, tàu lớn nhất của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã tăng cường hoạt động tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong ba năm qua. Ảnh: Kyodo.
Cuộc tập trận được coi là tín hiệu công khai với Bắc Kinh, nhấn mạnh thực tế rằng Mỹ, Nhật Bản và các nước có cùng quan điểm có thể mang sức mạnh hải quân của họ đến Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hành động xây dựng phi pháp ở khu vực này.
Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng thuộc Nhóm Bộ tứ (QUAD), thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về an ninh quốc phòng và các vấn đề quan trọng khác. Thành viên còn lại của nhóm là Australia cũng đứng sau ủng hộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.
Bên cạnh đó Nhật Bản cũng tích cực phát huy vai trò không thể thiếu của mình ở khu vực trên khía cạnh kinh tế. Trong bối cảnh Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Tokyo trở thành nền kinh tế lớn nhất, thúc đẩy 11 quốc gia tham dự Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11).
Nhật Bản cũng tìm cách cung cấp một lựa chọn khác, bền vững hơn cho các nước khu vực dưới hình thức của thỏa thuận Đối tác về Cơ sở hạ tầng Chất lượng, đối trọng của sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Vai trò quan trọng của Nhật Bản ở khu vực sẽ được khẳng định vào ngày 1/6 tới, khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đại diện cho Mỹ, chính thức trình bày chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington ở Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore.
Tau san bay Nhat la
 Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Patrick Shanahan sẽ công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở của Washington tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần này. Ảnh: New York Times. 
Cái hay trong chiến lược của Nhóm Bộ tứ là không tìm cách nhắm Trung Quốc với những vấn đề cụ thể. Ví dụ, việc khẳng định quyền tự do hàng hải không nhắc đến Trung Quốc. Nhưng mặt khác, bản thân nội bộ Nhóm Bộ tứ cũng có những khác biệt riêng trong cách tiếp cận vấn đề.
Trong số 4 quốc gia, đương nhiên Mỹ là bên lên tiếng mạnh mẽ nhất về mối đe dọa từ Trung Quốc. Washington coi Trung Quốc là "cường quốc với quan điểm xét lại" và đang đối đầu với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết. Ấn Độ, mặc dù cảm thấy bị đe dọa bởi những hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, nhưng từ chối tham gia vào bất cứ liên minh nào chống Bắc Kinh.
Nhật Bản chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cũng tìm cách để hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao và các dự án kết nối khác. Australia là đồng minh lâu năm của Mỹ, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra và là thị trường khổng lồ cho những sản phẩm xuất khẩu chủ lực như quặng sắt và than.
Sự thận trọng của ASEAN
Để chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cất cánh, nó cần có sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN. Nhưng điều này là khó khả thi vì ASEAN rất thận trọng và từ chối việc phải chọn giữa chiến lược này và một tầm nhìn khu vực khác là sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh.
Tau san bay Nhat la
 Các nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Vành đai, Con đường tổ chức tại Bắc Kinh tháng 5 vừa qua. Ảnh: AFP. 
Ngoại trừ Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tất cả các nhà lãnh đạo khác của ASEAN đều đã tham dự Diễn đàn Vành đai, Con đường vừa được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5. Mặc dù từng hoài nghi về sáng kiến này và gọi nó là "phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân", Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vẫn đặt bút ký vào thỏa thuận mới để dự án Đường sắt Bờ biển phía Tây do Bắc Kinh hậu thuẫn được tiếp tục triển khai (sau khi dự án giảm giá).
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được Mỹ công bố tại Đối thoại Shangri-La sắp tới sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh, chứ không phải hai trụ cột khác là quản trị và kinh tế. Điều này có thể sẽ không phù hợp với ASEAN, do tổ chức này có vẻ như đang tìm kiếm một khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương của riêng họ, tập trung ít hơn vào các vấn đề an ninh và nhiều hơn và các chủ đề như tăng trường kinh tế, kết nối và hợp tác.
Quan trọng hơn, ASEAN từ chối bị lôi kéo vào bất cứ cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương nào trong đó tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Phát biểu vào tháng 1 năm ngoái, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói cách tiếp cận của ASEAN sẽ là "hợp tác tích cực, mạnh mẽ" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và không dựa trên "sự nghi ngờ, hay tệ hơn là nhận thức về mối đe dọa".
Cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, khi nhắc tới chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, đã nói: "Những ý tưởng hấp dẫn truyền thông không bao giờ thiếu, nhưng chúng cũng như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương".
Việc Mỹ chính thức công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tại đối thoại Shangri-La cho thấy chiến lược này vẫn sống và đã bắt đầu được áp dụng với Mỹ cùng các đối tác ủng hộ sẽ tiếp tục tham gia với các quốc gia ở khu vực. Với sự thúc đẩy này của Washington, và việc Bắc Kinh nhấn mạnh vào "Vành đai, Con đường", cuộc cạnh tranh để xây dựng tầm nhìn và kiến trúc ở khu vực sẽ tiếp diễn.
Tàu Izumo sẽ tiếp tục hoạt động, thậm chí có mặt ở những vùng biển gây tranh cãi.
*)Title do Kiến Thúc biên tập lại
Theo Sơn Trần/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)