Các thử nghiệm cất hạ cánh máy bay từ tàu chiến đầu tiên bắt đầu vào ngày 14/11/1910 khi phi công Mỹ tên Eugene Fly cất cánh và hạ cánh từ một đường băng tự chế trên tuần dương hạm hạng nhẹ USS Birmingham của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Hải quân Hoàng gia Anh mới là người sở hữu các tàu sân bay đầu tiên theo đúng nghĩa trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, mặc dù đa số chúng chỉ phù hợp để sử dụng với thủy phi cơ.
Tàu sân bay đầu tiên trên thế giới là chiếc HMS Argus, vốn được hoán cải từ một tàu tuần dương hạm và được đưa vào sử dụng từ năm 1918. Với sức chứa tới 20 máy bay, tàu sân bay HMS Argus có phần boong phẳng suốt toàn bộ chiều dài của tàu để máy bay có thể cất và hạ cánh như ở dưới mặt đất.
|
Tàu sân bay đầu tiên của thế giới do Anh đóng năm 1918 đã chính thức định hình hình dáng thiết kế mang tính mẫu mực của hàng không mẫu hạm tới tận ngày nay. Nguồn ảnh: Wiki.
|
Năm 1920, chiếc HMS Eagle được hạ thủy - hàng không mẫu hạm này cũng có sàn phẳng nhưng có kiến trúc thượng tầng nằm lệch sang một bên và trở thành hình mẫu cho các tàu sân bay tới tận ngày nay.
Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, Anh, Mỹ và Nhật Bản đã dốc toàn lực vào các tàu sân bay, mặc dù họ vẫn tuân theo các giới hạn của Hiệp định Hàng hải Washington ký năm 1922. Khi hiệp định hết thời hạn vào cuối những năm 1930, ba cường quốc này bắt đầu phát triển những hạm đội tàu sân bay mạnh mẽ hơn, mặc dù phải đến khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra thì giá trị của cuộc cách mạng tàu sân bay mới được chứng minh.
Chiến tranh tầm xa
Ngày 7/12/1941, một nhóm tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng, thuộc Hawaii. Đợt tấn công bằng máy bay ném bom bổ nhào và máy bay ném ngư lôi đã đánh chìm và gây hư hại cho tổng cộng 19 tàu chiến lớn của Mỹ.
|
Trân Châu Cảng tan hoang đổ nát dưới sự tấn công như vũ bão của hơn 200 tiêm kích - bom của Nhật Bản. Nguồn ảnh: Reuters.
|
Đợt tấn công này cho thấy sức mạnh đáng ngạc nhiên của lựclượng Không quân thuộc hải quân và là bằng chứng thực tế của lý thuyết ném bom chống tàu, được tướng Mỹ là Billy Mitchell trình bày lần đầu tiên từ năm 1920. Kể từ Trân Châu Cảng, tàu sân bay đã trở thành loại tàu chiến quan trọng nhất trên biển cả.
Tàu sân bay có các tính năng độc đáo hơn so với các loại tàu nổi khác. Trước nhất là khả năng tấn công tầm xa của nó - các máy bay trên tàu có thể tấn công mục tiêu cách tàu hàng trăm kilomets. Thứ hai là khả năng trinh sát tầm xa, hộ tống tàu chống ngầm, tấn công dọn đường cho đổ bộ, yểm trợ,... Để thỏa mãn các yêu cầu này, ba loại tàu sân bay căn bản đã ra đời bao gồm: Tàu sân bay hộ tống, tàu sân bay hạng nhẹ và tàu sân bay lớn của hạm đội - thứ tự được sắp xếp theo khả năng chứa máy bay từ ít tới nhiều.
Trong khi người Anh ưa thích những tàu sân bay nhỏ hơn và bọc giáp nhiều hơn, thì người Mỹ và Nhật lại giảm phần bọc giáp để tăng tối đa khả năng chứa máy bay. Những tàu sân bay lớn của Mỹ có thể chứa tới 100 máy bay, mang lại khả năng tấn công cũng như phòng thủ cực kỳ to lớn.
Ưu và khuyết điểm
Trong chiến trận, tàu sân bay vừa mạnh mẽ lại vừa dễ tổn thương. Ví dụ, Anh đã mất các tàu sân bay Courageous, Glorious, Ark Royal, Eagle và Hermes trong khoảng thời gian từ năm 1939 tới năm 1942. Mỹ mất bốn tàu sân bay trong một năm còn hải quân Nhật phải chịu tổn thất nặng nề khi các tàu sân bay Akagi,m Kaga,m ,Hiryu và Soryu bị phá hủy chỉ trong một trận đánh duy nhất vào năm 1942 ở Midway.
|
Tàu sân bay Mỹ bị các tiêm kích của Nhật quần thảo trong trận Midway. Nguồn ảnh: National.
|
Tuy nhiên, đa số các tổn thất về tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là do máy bay của các tàu sân bay đối phương gây ra. Đặc biệt là ở Thái Bình Dương, cuộc chiến tranh trên mặt biển đã trờ thành một cuộc săn đuổi mèo vờn chuột giữa Mỹ và Nhật. Máy bay của Nhật Bản có lợi thế là bay xa hơn nên có thể tấn công các tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách lớn hơn, dù rưangf quân Mỹ cuối cùng cũng có được loại tiêm kích tốt hơn cùng với máy bay dẫn hướng bằng radar để cân bằng khoảng cách này.
Cùng một số yếu tố khác, những ưu điểm này cũng giúp Mỹ dần dần giành lại được thế áp đảo ở Thái Bình Dương. Ở Đại Tây Dương, nơi có ít mối nguy hiểm từ trên không hơn, các tàu sân bay hộ tống đóng vai trò yểm trợ xuyên đại dương cho các đoàn tàu hộ tống của quân Đồng minh và chúng đã đánh chìm hay làm hư hại hàng tá tàu ngầm Đức.
|
Tàu sân bay lớp Nimitz với sức chứa 90 chiến đấu cơ các loại hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Nguồn ảnh: Naval.
|
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tàu sân bay vẫn là thứ vũ khí thống trị biển cả. Những con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ như Nimitz và Ronald Reagan đã đạt đến kích thước khổng lồ, với đội ngũ nhân viên 5000 người và đội bay gồm 90 chiếc phản lực hiện đại. Chúng trở thành những biểu tượng sức mạnh vĩ đại nhất của quốc gia, mặc dù lịch sử và công nghệ thường cho thấy rằng vị thế này rất dễ bị đảo ngược chỉ trong một cái chớp mắt.
Mời độc giả xem Video: Sức mạnh kinh hoàng của các tàu sân bay lớp Nimitz do Mỹ sở hữu.