Pha lật "ăn cắp" lịch sử và biến thể xịn ngang hàng gốc của J-11

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc đã từng được Mỹ mời gọi mua chiến đấu cơ và nhận chuyển giao công nghệ nhưng dường như Bắc Kinh vẫn thích hàng Liên Xô hơn.

Thất bại là mẹ thành công
Ý tưởng về việc tự nội địa hoá một chiến đấu cơ của Liên Xô bắt nguồn từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước khi tập đoàn công nghiệp Thẩm Dương (Shenyang) sao chép thành công được chiến đấu cơ MiG-19 của Liên Xô nhưng sử dụng động cơ Rolls-Royce Spey 512 mua từ Anh quốc.
Loại chiến đấu cơ MiG-19 nội địa Trung Quốc ban đầu được dự định đặt tên là J-11, tuy nhiên dự án này lại thất bại và phải tới hơn 20 năm sau, Trung Quốc mới lại nỗ lực hiện thục hoá lại ý tưởng này.
Pha lat
 Hàng nhái của Trung Quốc giống bản gốc của Nga gần như toàn diện. Ảnh: Flickr.
Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Không quân Trung Quốc đã tìm kiếm một loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư để có thể tự sản xuất trong nội địa quốc gia mình với tỷ lệ nội địa hoá cao nhất có thể.
Năm 1990, Trung Quốc ký thoả thuận với Nga theo đó, Trung Quốc sẽ được quyền tự lắp ráp 200 chiến đấu cơ Su-27SK trong nước dưới sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật, nhân lực và thiết bị, phụ tùng được đưa rời từng món từ Nga qua. Những chiến đấu cơ được Trung Quốc lắp ráp nội địa này một lần nữa lại được mang tên J-11.
Bẻ kèo, lật kèo và tự chủ
Năm 1998, quá trình lắp ráp nội địa J-11 được bắt đầu và cũng trong năm này, chiếc J-11 hoàn thiện đầu tiên được đưa ra bay thử. Mặc dù vậy, quá trình sản xuất J-11 dưới sự hợp tác Nga - Trung bỗng dừng lại sau khi 100 chiếc chiến đấu cơ J-11 đầu tiên được xuất xưởng.
Một vài nguồn tin cho rằng quá trình này bị Nga đơn phương dừng do Trung Quốc phá hợp đồng, tự ý đưa vào sử dụng trên J-11 một vài thiết bị điện tử do Trung Quốc tự sản xuất mà không hỏi ý kiến của phía Nga.
Việc Nga dừng cung cấp linh kiện lắp ráp cho Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc chịu bỏ cuộc, ngay lập tức Bắc Kinh tiếp tục lắp ráp J-11 một mình mà không cần tới nguồn cung linh kiện, vật liệu từ Nga. Mọi thiết bị được sử dụng để lắp ráp thành chiếc J-11 đều là hàng nội địa do Trung Quốc sản xuất, kể cả động cơ.
Pha lat
 J-11B - phiên bản nội địa hoá sâu với động cơ, radar và vũ khí đều do Trung Quốc tự sản xuất. Ảnh: Array.
J-11 là loại chiến đấu cơ hai động cơ, một chỗ ngồi dựa trên thiết kế của Su-27. Giống với phiên bản gốc của Liên Xô, tiêm kích J-11 cũng là loại chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không. NATO gọi loại chiến đấu cơ này là Flanker B+. Khi mới ra đời ở Liên Xô, Su-27 là một đối thủ khá đáng gờm với các chiến đấu cơ Mỹ và châu Âu cùng thời. Ví dụ như F-16 và F/A-18 của Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ được cho là có thể dễ dàng bị Su-27 bắn hạ trong giao tranh trên không.
Tới thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 253 chiến đấu cơ J-11 được Trung Quốc sản xuất và quá trình sản xuất mới vẫn tiếp tục được diễn ra. Nhà máy lắp ráp J-11 được đặt ở Thẩm Dương, phía bắc Trung Quốc. Toàn bộ các phiên bản của J-11 do Trung Quốc sản xuất tới thời điểm này bao gồm J-11A, J-11B, J-11BS, J-11D, J-15 và J-16 đều được Quân đội Trung Quốc sử dụng và không có bất cứ phiên bản nào được sử dụng để xuất khẩu.
100 chiếc J-11 đầu tiên được Trung Quốc cùng Nga lắp ráp sử dụng động cơ Lyulka Saturn AL-31. Tuy nhiên với những chiếc tiếp theo bao gồm phiên bản J-11B và J-16 đều sử dụng động cơ WS-10A (Qua Phiến 10A) turbo do Trung Quốc tự sản xuất.
Hiệu năng của phiên bản J-11 do Trung Quốc tự sản xuất được coi là tiệm cận với hiệu năng của Su-27 của Liên Xô. Hiệu năng tương đương này có được là do kiểu dáng được thiết kế giống y hệt gần như không thể phân biệt bằng mắt thường và cả các trang thiết bị điện tử cũng được trang bị y nguyên phiên bản gốc. Cụ thể, phiên bản J-11 nội địa của Trung Quốc đều được trang bị radar NIIP Tikhomirov N001V, pháo 30mm tự động loại GSh-30-1 và hệ thống tên lửa Vympel NPO - tất cả đều có do Nga sản xuất và được Trung Quốc nhập khẩu.
Su-27 có nhiều phiên bản và J-11 cũng vậy
Đầu tiên là chiến đấu cơ J-11A, về cơ bản thì đây là phiên bản giống với J-11 tuy nhiên có cải tiến nhỏ ở trang bị với hệ thống điều khiển bay thế hệ mới do Trung Quốc tự thiết kế.
 - J-11B là phiên bản nội địa hoàn toàn của J-11 với radar, hệ thống bay và vũ khí đều được nội địa hoá. Một vài nguồn tin cho biết tỷ lệ nội địa hoá của J-11B có thể lên tới 90%.
 - J-11BS là phiên bản hai chỗ ngồi của J-11B, vừa có khả năng chiến đấu vừa có thêm khả năng huấn luyện - rất giống với Su-27UB của Nga. Phiên bản J-11BS đầu tiên của Trung Quốc bị lộ diện vào năm 2007.
 J-15 là phiên bản hoạt động trên tàu sân bay được xây dựng từ phiên bản J-11B của Trung Quốc. Ảnh: Drive.
 - J-11D là phiên bản cải tiến sâu của J-11B với hệ thống radar quét mảng chủ động được thêm vào và động cơ WS-10 được cải tiến. Một vài nâng cấp khác của J-11D bao gồm khoang lái được thiết kế lại, sử dụng nhiều vật liệu hấp thụ radar khiến nó khó bị phát hiện hơn, có thêm hai giá treo vũ khí, tương thích được với thiết bị áp chế và chống áp chế điện tử đời mới cũng như tiết kiện nhiên liệu hơn khi bay, mở rộng bán kính chiến đấu.
 - J-15 là phiên bản được phát triển từ J-11 với khả năng gập cánh và cáp hãm đà, được chuyên sử dụng trên tàu sân bay. J-15 giống với J-11B khi nó được trang bị toàn bộ radar, động cơ và vũ khí nội địa do Trung Quốc sản xuất. Do là phiên bản được thiết kế để sử dụng trên tàu sân bay nên về tổng thể J-15 nhẹ hơn J-11B khiến nó bay được nhanh hơn (tối đa 2940 km/h) và lấy độ cao cũng nhanh hơn các phiên bản trước đó.
 - J-16 là phiên bản mới nhất của J-11. Đây là phiên bản chiến đấu cơ đa năng hai ghế ngồi, được xây dựng dựa trên phiên bản Su-30MKK của Nga (cũng được phát triển từ Su-27). J-16 được trang bị với thiết bị điện tử nội địa hoàn toàn, bắt đầu được sản xuất từ năm 2012.

Mời độc giả xem Video: J-11BS phiên bản hai ghế của Trung Quốc.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)