Những sự thật bất ngờ về lực lượng Tuần duyên Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Tuần duyên Mỹ là một trong những lực lượng chấp pháp trên biển lớn nhất thế giới, được trang bị nhiều loại tàu cỡ lớn, đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trong thời gian dài ngày trên biển.
 

Lực lượng Tuần duyên Mỹ mặc dù là một thành viên thuộc các Lực lượng Vũ trang Mỹ thế nhưng lại chịu sự quản lý của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Chỉ khi có chiến tranh xảy ra quyền chỉ huy lực lượng này mới được chuyển giao cho Bộ Hải quân Mỹ. 
Ở thời điểm hiện tại khi nằm trong sự quản lý của Bộ An ninh Nội địa, nhiệm vụ chủ yếu của Tuần duyên Mỹ là bảo vệ, duy trì an ninh hàng hải trên các biển tiếp giáp với biên giới Mỹ; duy trì lợi ích, an ninh, an toàn hàng hải tại các khu vực gần bờ thông quan giám sát hoạt động của các tàu thuyền; bảo đảm giao thông cho các tàu hàng, tàu thương mại. 
Bên cạnh đó lực lượng này bảo vệ tài nguyên biển, môi trường biển; dự báo và xử lý các vụ tràn dầu, chất hóa học; đấu tranh phòng chống hoạt động phi pháp, hoạt động xâm nhập bất hợp pháp. Thứ tư, huấn luyện lực lượng cảnh sát biển và các thực tập sinh tham gia các khóa học thực tế trên biển.
Ngoài ra Tuần duyên Mỹ còn hỗ trợ các chương trình nghiên cứu khoa học ở các khu vực Nam Cực, Bắc Cực nhằm hỗ trợ cho các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu, tìm hiểu khoa học tại khu vực này. Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tại các vùng cực. 
Nhung su that bat ngo ve luc luong Tuan duyen My
Tàu tuần tra hạng nặng lớp Legend - lớp tàu tuần tra hiện đại nhất của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Ảnh: US Coast Guard
Bất ngờ dàn tàu "khủng" của Tuần duyên Mỹ
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Lực lượng Tuần duyên Mỹ được biên chế nhiều tàu chấp pháp chuyên dụng bao gồm: Tàu phá băng, tàu cứu nạn, tàu kéo, tàu công trình, tàu tiêu độc, tàu khảo  sát địa chất, tàu giám sát hoạt động phi pháp, tàu bảo vệ môi trường biển. Theo thống kê, lực lượng này hiện được biên chế khoảng hơn 1.400 các tàu chấp pháp chuyên dụng trên biển các loại.
- Tàu tuần tra hạng nặng lớp Hamilton: Các tàu tuần tra lớp này có lượng giãn nước lên tới 3.250 tấn, dài 115m, rộng 13m, mớn nước 4,6m, biên chế 167 người, sử dụng động cơ diesel Fairrbank-Morse 38TD8-1/8-12 cho tốc độ tối đa lên tới 29 hải lý/h, khả năng hành trình liên tục 14.400km trong vòng 45 ngày.
Về vũ khí tàu tuần tra Hamilton được trang bị hỏa lực không kém gì một tàu chiến hiện đại với pháo hạm Oto Breda cỡ 76,2mm, phiên bản Mk45 có tốc độ bắn khoảng 85 phát/phút tầm bắn 15 - 16km; hệ thống phòng thủ tầm gần 20mm Phalanx CIWS; pháo tự động M242 cỡ 25mm, súng máy hạng nặng M2 Browing cỡ 12,7mm; súng máy hạng nhẹ M240 cỡ 7,62mm; hệ thống hỏa lực Mk 92 mod1.
Nhung su that bat ngo ve luc luong Tuan duyen My-Hinh-2
Tàu phá băng WAGB-20. Ảnh: US Coast Guard
- Tàu phá băng WAGB-20: Đây là tàu phá băng hiện đại nhất hiện nay của Mỹ và cũng là tàu có lượng giãn nước lớn nhất trong các tàu chấp pháp chuyên dụng trên biển của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Tàu này được Mỹ chính thức đưa vào hoạt động năm 1999, tàu có chiều dài 128m, rộng 25m, mớn nước 8,84m, lượng giãn nước toàn tải 16.663 tấn, 1 kho chứa trực thăng, khả năng chở được 2 trực thăng HH-65A hoặc 1 trực thăng HH-60J. Tàu WAGB-20 có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học như bảo đảm hậu cần cho khu vực nghiên cứu vùng cực, tìm kiếm cứu nạn, hộ tống tàu hàng, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và duy trì pháp luật trên biển.
- Tàu huấn luyện WIX-327: Được biên chế chính thức năm 1946, có chiều dài 89,5m, rộng 12m, mớn nước 4,9m, lượng giãn nước toàn tải 1.816 tấn. Nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ hoạt động huấn luyện cho các sỹ quan chấp pháp thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ.
Ngoài quân số biên chế cố định, tàu WIX-327 còn có thể chở thêm 175 thực tập sinh để tham gia hoạt động huấn luyện. Hiện nay, tàu được Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ chuyên dùng để đào tạo sỹ quan trẻ để nâng cao năng lực thực tế trên biển cho các đối tượng tham gia các khóa học.
Nhung su that bat ngo ve luc luong Tuan duyen My-Hinh-3
Tàu thả phao tiêu viễn dương WLB-214. Ảnh: US Coast Guard 
- Tàu thả phao tiêu viễn dương WLB: được Mỹ đưa vào trang bị 16 chiếc, số hiệu lần lượt từ WLB-201 đến WLB-216, từ năm 1996 đến năm 2004. Tàu có chiều dài 68,6m, rộng 14m, mớn nước 4m, lượng giãn nước toàn tải 2.097 tấn, diện tích mặt sàn trên bong tàu là 267m2. Tàu thả phao tiêu thế hệ mới WLB sử dụng kỹ thuật hiện đại như bản đồ số, hệ thống định vị động lực và một số thiết bị thả phao tiêu không người lái đi kèm.
Ngoài ra, các tàu này còn được trang bị súng phóng không 12,7mm và súng máy 7,62mm. Do sử dụng hệ thống định vị động lực nên trong quá trình thả phao tiêu việc xác định chính xác vị trí các phao được nâng nên rõ rệt. Đồng thời, các tàu này còn thực hiện thêm một số nhiệm vụ khác như phối hợp với trưc thăng thực hiện hoạt động nạo vét, hoạt động chống khủng bố, tuần tra, cứu nạn trên biển.
Ngoài ra, hiện nay Mỹ còn một số tàu chuyên dụng loại nhỏ khác phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm tra và một số tàu có chiều dài 19,8m với nhiều tính năng chuyên dụng khác nhau, chủ yếu bao gồm: tàu cứu sinh cơ động MLB, tàu phản ứng nhanh hạng trung RB-M, tàu tuần tra viễn dương LRI, tàu bảo vệ khu vực hải cảng TPSB.

Mời độc giả xem video: Một ngày huấn luyện của các tân binh Tuần duyên Mỹ. (nguồn Business Insider)

Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)