Hãng thông tấn Reuters, dẫn 3 nguồn tin thân cận, cho biết giới chức Mỹ đã gợi ý đề xuất trên với các đối tác từ Thổ Nhĩ Kỳ suốt cả tháng qua, nhưng chưa đưa ra yêu cầu cụ thể hoặc chính thức nào về vấn đề này.
Cũng theo các nguồn tin, yêu cầu chuyển giao hệ thống S-400 cho Ukraine cũng được nhắc đến trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng.
Giới chức Ankara chưa lên tiếng bình luận về thông tin này.
|
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 "Triumph" của Nga. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng yêu cầu các đồng minh đang sở hữu những thiết bị và hệ thống vũ khí do Nga sản xuất, bao gồm các hệ thống tên lửa S-300 và S-400, cân nhắc chuyển giao chúng cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng vào ngày 24/2.
Giới phân tích nhận định, ý tưởng trên chắc chắn sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ. Trên thực tế, S-400 vốn là một trong những vấn đề "gai góc" trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bên cạnh đó, việc lắp đặt và vận hành S-400 không phải là điều dễ dàng, và Ukraine có thể gặp nhiều trở ngại nếu tiếp nhận hệ thống này. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải đối mặt với những quan ngại về mặt chính trị tới từ Nga, trong bối cảnh Ankara đang cố gắng duy trì thế trung lập trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev do họ có quan hệ tốt với cả hai bên.
Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, Mỹ nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400, với lý do hệ thống tên lửa này sẽ gây rủi ro an ninh đối với các khí tài của NATO. Mỹ thậm chí đã áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ và loại Ankara ra khỏi chương trình tiêm kích F-35 do Washington khởi xướng.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ giải thích việc bắt buộc phải mua S-400 là do các đồng minh của nước này không cung cấp thêm vũ khí với những điều khoản thỏa đáng. Ankara cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ hệ thống S-400 vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền của họ.