Quân đội Mỹ hiện nay có 3 lực lượng tác chiến đặc biệt thuộc 3 quân chủng Hải, Lục và Không quân. Trong đó, lực lượng tác chiến đặc biệt của Lục quân Mỹ được coi là tinh nhuệ và có quân số đông hơn hai lực lượng còn lại.
Nhiệm vụ cơ bản
Lực lượng tác chiến đặc biệt của Lục quân Mỹ có một số nhiệm vụ chủ yếu đó là: Tiến hành chiến tranh phi truyền thống; giúp đỡ các nước đồng minh trong đảm bảo an ninh; trực tiếp tiến hành hoạt động chiến đấu; trinh sát đặc biệt; chống khủng bố; các chiến dịch quân sự về đảm bảo thông tin; xác lập mối liên hệ và duy trì hiệp đồng với chính quyền dân sự; chống lại nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Về tổ chức, biên chế
Lực lượng tác chiến đặc biệt của Lục quân Mỹ được biên chế các đơn vị chiến đấu sau:
- Trung đoàn bộ binh “Ranger” số 75:
Trung đoàn “Ranger” được tổ chức gồm: Cơ quan trung đoàn và đại đội sở chỉ huy, 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn bộ đội chuyên môn kỹ thuật (bảo đảm). Tổng quân số của trung đoàn 2 năm gần đây là 3.700 quân.
“Ranger” có nhiệm vụ chủ yếu là tác chiến trong hậu phương của đối phương, đánh phá các mục tiêu quan trọng cấp chiến dịch và chiến lược. Trung đoàn này có thể thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập hoặc phối hợp hiệp đồng với các lực lượng bộ binh nhẹ khác.
Khi không thể sử dụng các đơn vị binh chủng hợp thành hoặc việc sử dụng như vậy là không tối ưu, trung đoàn này sẽ được sử dụng như là các phân đội đổ bộ đường không hoặc tiến công. Thông thường nhiệm vụ của nó là tập kích vào hậu phương của đối phương nhằm đánh chiếm hoặc tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, cô lập trận địa để ngăn chặn lực lượng dự bị của đối phương.
|
Binh lính thuộc Trung đoàn bộ binh “Ranger” số 75. Ảnh: Wikipedia.org |
- Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160 thuộc Lục quân:
Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160 gồm có: Cơ quan trung đoàn, đại đội sở chỉ huy, 4 tiểu đoàn trực thăng, đại đội huấn luyện và đại đội sửa chữa. Nhiệm vụ của Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160 là tổ chức và đưa các phân đội đặc nhiệm, lực lượng “Ranger” bí mật thâm nhập vào hậu phương của đối phương bằng đường không, cũng như tổ chức rút (sơ tán) lực lượng này ra khỏi khu vực đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ hoả lực, đảm bảo chiến đấu và đảm bảo hậu cần. Ngoài ra, trung đoàn này còn tham gia các chiến dịch đảm bảo thông tin.
Tổng cộng trung đoàn có khoảng 15 máy bay, trong đó có trực thăng vũ trang hạng nhẹ MH-6J, trực thăng vận tải vũ trang MH-60K (L, L DAP), trực thăng vận tải MH-47E (G). Trung đoàn có khả năng độc lập tiến hành đổ bộ, chi viện cho lực lượng đổ bộ đường không bằng lực lượng của tiểu đoàn “Ranger”.
- Cụm chiến dịch quân sự về đảm bảo thông tin số 4:
Đơn vị này bao gồm: Cơ quan chỉ huy, đại đội sở chỉ huy, các Tiểu đoàn tâm lý chiến số 1, 5, 6, 8 đóng quân ở các khu vực (mỗi tiểu đoàn có cơ quan tiểu đoàn bộ và 2 đại đội), Tiểu đoàn tâm lý chiến chiến thuật số 9 (có tiểu đoàn bộ và 4 đại đội), Tiểu đoàn số 3 làm nhiệm vụ huấn luyện và rải truyền đơn tuyên truyền tác động tâm lý (có tiểu đoàn bộ, đại đội in ấn truyền đơn, đại đội tung rải truyền đơn).
Tính đến cuối năm 2015, tổng quân số của cụm số 4 khoảng 2.700 quân. Cụm chiến dịch quân sự về đảm bảo thông tin số 4 có nhiệm vụ phân tích số liệu thu được từ nước ngoài về văn hoá, lịch sử, chính trị, xã hội và các thông tin khác nhằm khai thác điểm yếu tâm lý của đối phương. Mục đích chủ yếu của các chiến dịch quân sự về đảm bảo thông tin là làm thay đổi dư luận ngoài nước phục vụ cho các mục đích chính trị - quân sự của Mỹ.
|
Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160 thuộc Lục quân.
Ảnh: Wikipedia.org
|
- Lữ đoàn số 95: Được thành lập năm 2007, Lữ đoàn số 95 chịu trách nhiệm thiết lập, duy trì hiệp đồng giữa bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Mỹ tại khu vực chiến trường với chính quyền và dân chúng địa phương nước sở tại nhằm đảm bảo tính pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng vũ trang.
Các phân đội của lữ đoàn làm nhiệm vụ hỗ trợ bộ chỉ huy bằng cách tiến hành rất nhiều nhiệm vụ liên lạc với chính quyền dân sự và dân chúng địa phương cả trong thời bình lẫn thời chiến. Trường hợp tiến hành chiến dịch đặc biệt, các tiểu đoàn cũng có thể trợ giúp các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh, tiến hành chiến tranh phi truyền thống hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động chiến đấu.
Lữ đoàn 95 có ban chỉ huy, cơ quan tham mưu và đại đội sở chỉ huy, các tiểu đoàn số 91, 92, 96, 97, 98, Trung tâm các chiến dịch dân sự - quân sự, nhóm lập kế hoạch liên lạc với chính quyền dân sự. Mỗi tiểu đoàn bao gồm: Ban chỉ huy tiểu đoàn, 4 đại đội, trung tâm các chiến dịch dân sự - quân sự, nhóm lập kế hoạch liên lạc với chính quyền dân sự. Đại đội trong thành phần tiểu đoàn bao gồm: Chỉ huy, trung tâm điều hành các chiến dịch dân sự - quân sự và 5 nhóm liên lạc hiệp đồng với chính quyền dân sự. Tổng quân số của lữ đoàn khoảng gần 1.200 quân.
- Lữ đoàn đảm bảo các chiến dịch đặc biệt số 528: Lữ đoàn 528 được thành lập ngày 18/12/2008, có nhiệm vụ thực hiện đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, cũng như thiết lập, duy trì liên lạc giữa bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Lục quân Mỹ với các phân đội dưới quyền và cấp trên, hiệp đồng với cơ quan chỉ huy. Thành phần của lữ đoàn gồm: Cơ quan chỉ huy lữ đoàn bộ, tiểu đoàn đảm bảo, tiểu đoàn thông tin 112, 5 cụm thông tin và hiệp đồng.
- Trung tâm và trường đào tạo đặc nhiệm J.Kennedy: Đây là một tổ hợp nghiên cứu khoa học, huấn luyện thống nhất. Tổ hợp này chịu trách nhiệm nghiên cứu và đề ra các khái niệm sử dụng lực lượng đặc nhiệm của lục quân trong chiến đấu. Trong thành phần của Trung tâm có cơ quan phụ trách công tác tuyển chọn binh sỹ, cơ quan quản lý huấn luyện và đề ra các khái niệm sử dụng lực lượng trong chiến đấu, cơ quan quản lý giáo dục, 1 tổ huấn luyện các thủ pháp đặc biệt của chiến tranh (có 4 tiểu đoàn học viên), trường đào tạo hạ sỹ quan chuyên nghiệp, trạm y tế liên hợp. Theo quyết định của lãnh đạo nhà trường, hàng năm người ta tuyển chọn vào đào tạo gần 10.000 học viên theo học 40 lớp khác nhau.