Đại tướng Lê Đức Anh và cuộc chiến bám trụ, chống địch bình định

Google News

(Kiến Thức) - Sau ba đợt tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Quân Giải phóng gặp rất nhiều khó khăn trên khắp các mặt trận ở miền Nam Việt Nam, vào thời điểm đó Đồng chí Lê Đức Anh mới được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9.
 
 

Ngay khi được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9 trong năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh đã nhận ra tình trạng nguy hiểm và khó khăn của Quân khu 9. Tại thời điểm này, địch đang được trang bị rất mạnh và đánh rất hăng trong khi phía ta bị thiếu thốn hậu cần nghiêm trọng.
Hậu quả dễ hiểu đó là địch lấn tới còn ta thì mất vùng giải phóng dần. Đặc biệt ở các khu vực đông dân, ta gần như mất kiểm soát. Chỉ còn hai căn cứ quan trọng nhất phía ta còn giữ lại được bao gồm căn cứ U Minh và khu giải phóng Cà Mau, trong khi đó cả Khu 9 có tới 50 xã có đảng viên bỏ chạy khỏi địa bàn do bị địch truy nã, 40 xã trong tình trạng mỗi xã có dưới hai đảng viên, không còn chi bộ.
Dai tuong Le Duc Anh va cuoc chien bam tru, chong dich binh dinh
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh (bên trái). Ảnh:Quân khu 9
Việc đầu tiên Đồng chí Lê Đức Anh thực hiện khi tiếp nhận chức vụ Tư lệnh quân khu 9 đó là xốc lại tinh thần chiến đấu của binh sĩ kèm theo đó là tăng cường trang bị, hậu cần, cung cấp cho Quân khu 9 sức chiến đấu như trước đây bất chấp sự bình định của đối phương.
Trước chiến lược bình định của đối phương, Đồng chí Lê Đức Anh đã nhận định khu vực U Minh sẽ sớm trở thành nơi đối đầu ác liệt nhất giữa Quân Giải phóng với đối phương. U Minh được chia làm ba khu vực bao gồm U Minh Thượng, U Minh Hạ và Năm Căn. Trong đó khu vực U Minh Thượng từ trước tới nay đã luôn là chiến trường giao tranh ác liệt nhất với cả hai bên.
Đầu tháng 9/1969, địch quyết tâm thực hiện kế hoạch bình định U Minh Thượng – một khu vực mang tính chiến lược cực kỳ quan trọng. Nếu định có được U Minh Thượng, chúng sẽ sử dụng khu vực này làm bàn đạp để lấn đánh xuống U Minh Hạ và Năm Căn. Phía ta thậm chí còn éo le hơn vì nếu để mất U Minh Thượng, phần lớn lực lượng của ta sẽ bị địch “nhốt” trong khu vực U Minh mà không thể thoát ra hoạt động bên ngoài phạm vi này được.
Để lấn đánh khu vực U Minh Thượng, địch sử dụng lực lượng gồm Sư đoàn 9 Bộ binh, Lữ đoàn B thuỷ quân lục chiến, 4 tiểu đoàn biệt động quân, 4 giang đoàn thuỷ bộ và 3 giang đoàn xung phong. Ngoài ra hoả lực yểm trợ của địch còn có 2 trung đoàn không quân và cả pháo đài bay B-52.
Dai tuong Le Duc Anh va cuoc chien bam tru, chong dich binh dinh-Hinh-2
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh (người thứ hai từ phải sang). Ảnh: Tư liệu
Ban đầu, Bộ Tư lệnh Quân khu có ý định đưa cán bộ của ta rời U Minh xuống Cà Mau để chuẩn bị chiến đấu. Tuy nhiên sau đó đoàn cán bộ không thể di chuyển xuống Cà Mau theo kế hoạch được vì đối phương đã chặn đứng sông Ông Đốc.
Trước tình thế này, Quân khu 9 quyết định chủ động đánh địch. Ít nhất phải tiêu diệt được căn cứ trung tâm hành quân của địch để phá cuộc hành quân lấn chiếm U Minh. Kế hoạch được Bộ Tư Lệnh chấp thuận.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, ngay từ những ngày đầu ra quân, quân và dân U Minh Thượng đã chặn đánh các mũi tiến công của địch. Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 2 đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch đổ quân bằng trực thăng tại kinh Tám Ngàn (huyện Thời Bình).
Cơ quan hậu cần quân khu kết hợp cùng du kích hai xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm (huyện Sông Đốc) đánh địch nhiều trận, chủ yếu bằng thuốc nổ, diệt và làm bị thương 74 tên, bắn rơi một máy bay trực thăng. Cơ quan phòng tham mưu quân khu tập kích tiêu diệt một đại đội thủy quân lục chiến địch tại Rọ Ghe (huyện An Biên, Rạch Giá). Một bộ phận pháo binh quân khu diệt "căn cứ hạm đội nổi" của địch ở vàm Sông Đốc. Du kích các xã trong U Minh bám đánh tiêu hao địch liên tục, gây cho chúng nhiều khó khăn.
Tới ngày 5/11, địch sử dụng B-52 rải thảm để giảm áp lực mà Quân Giải phóng gây lên cho đối phương dưới mặt đất. Trong vùng ảnh hưởng của B-52 có hai trung đoàn bộ binh của ta nhưng cả hai trung đoàn quyết bám trận địa, không rời một tấc.
Lợi dụng địa hình sông nước của khu vực, ta liên tục vận động cả trên bộ lẫn dưới nước bằng các phương tiện thô sơ, đánh địch từ mọi hướng khiến chúng hoang mang và mất bình tĩnh.
Dai tuong Le Duc Anh va cuoc chien bam tru, chong dich binh dinh-Hinh-3
 Hình ảnh đậm chất Anh Hai Nam Bộ của đồng chí Lê Đức Anh khi ông công tác trong Quân khu 9 (người đứng bên phải). Ảnh: TL.
3 giờ sáng ngày 6/11/1969, toàn bộ lực lượng ta nổ súng tiến công theo hiệp đồng. Sau hai giờ chiến đấu ta gần như sang phẳng cụm phòng ngự hỗn hơp của địch, tiêu diệt 680 trên tổng số 750 tên, đại tá lữ đoàn phó của địch bị tiêu diệt tại chỗ, đại tá lữ đoàn trưởng bị thương nặng. Ta bắt sống 21 tên, xoá sổ hoàn toàn Lữ B thuỷ quân lục chiến ngụy cùng ba đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 4 Thuỷ quân lục chiến, phá 8 tàu thuỷ, thu hàng chục máy thông tin vô tuyến.
Bị thiệt hại nặng, địch buộc phải rút lui khỏi U Minh để chỉnh đốn lại lực lượng, Ta đã đánh bại hoàn toàn kế hoạch bình định U Minh của đối phương vào cuối năm 1969.
Chiến thắng này đã củng cố thêm quyết tâm cho quân và dân Quân khu 9 trong tình thế khó khăn mà ta phải chịu đựng trước đó. Về mặt chiến thuật quân sự, những trận đánh lớn ở khu vực U Minh đã mang lại cho Bộ Tư Lệnh rất nhiều kinh nghiệm tác chiến, đặc biệt là kinh nghiệm tác chiến ở khu vực sông nước, có địa hình chia cắt với rất nhiều luồng lạch khiến việc vận động hết sức khó khăn. Từ những kinh nghiệm này, Quân khu 9 đã phát triển thêm nhiều cách đánh, chiến thuật đầy táo bạo để tiếp tục nghênh chiến và chiến thắng đối phương trong các nỗ lực bình định U Minh tiếp theo của chúng sau này.
Trong bài có sử dụng tư liệu từ cuốn "ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG" của Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia

Mời độc giả xem Video: Quân đội Mỹ càn quét miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối năm 1969, đầu năm 1970.


Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)