CIA giải mã: Nam Tư suýt chế tạo được bom nguyên tử

Google News

(Kiến Thức) - Theo tài liệu mới nhất được CIA giải mã, Nam Tư đã có đủ khả năng về mặt công nghệ và nguồn cung Uranium để chế tạo bom hạt nhân trong năm 1975.

Một nghiên cứu bí mật do CIA đưa ra vào tháng 12 năm 1975 kết luận rằng Nam Tư cũ có khả năng kỹ thuật và nguồn cung cấp uranium cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân và họ có thể có được một vũ khí hạt nhân vào năm 1980. Thông tin trên được Giáo sư Filip Kovacevic, một nhà nghiên cứu độc lập chia sẻ với Sputnik.
Kovacevic, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học San Francisco, đã liên lạc với CIA để yêu cầu các tài liệu công khai liên quan đến chương trình hạt nhân của Nam Tư trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau một thời gian liên lạc với CIA, ông nhận được 8 tài liệu với tổng số 84 trang trong thời gian ba mươi năm từ năm 1957 đến năm 1986. Các tài liệu này được trình bày dưới nhiều hình thức, từ các báo cáo ngắn đến các nghiên cứu khoa học, tất cả đều được đóng dấu mật.
Trao đổi với Sputnik Serbia, Kovacevic khẳng định các tài liệu bí mật cho thấy rằng Nam Tư bắt đầu có ý tưởng về chương trình hạt nhân của họ ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. "Các tài liệu cho thấy ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nam Tư bắt đầu hợp tác với Mỹ trong việc phát triển một chương trình hạt nhân của riêng mình bằng cách gửi sinh viên học các ngành có liên quan tại các trường đại học ở Mỹ", ông giải thích.
CIA giai ma: Nam Tu suyt che tao duoc bom nguyen tu
 Khu tổ hợp nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân của Nam Tư. Ảnh: CCO.
Thậm chí, nhiều tài liệu còn cho biết rằng trong năm 1952, các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ với sự trợ giúp của các chuyên gia địa chất qua Nam Tư đã xác định được hai mỏ uranium có trữ lượng lớn tại các nước Cộng hòa Slovenia và Macedonia. "Một trong số các tài liệu, được đưa ra vào tháng 7 năm 1979, cho thấy khoản tiền gửi ở Slovenia có thể được sử dụng vào việc sản xuất 300.000 tấn uranium mỗi năm, đủ để làm ra khoảng 300 tấn uranium oxide", một dạng nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân.
Các tài liệu của CIA cho thấy tình báo Mỹ đã nhận thức rõ về những nỗ lực của Nam Tư chương trình hạt nhân của nước này, nhờ vào một mạng lưới cung cấp thông tin nằm trong các cơ quan chính phủ của nước này.
Dù vậy, Washington vẫn không thể kiểm soát chính phủ Nam Tư cũ nhất là ban lãnh đạo thông qua các mạng lưới này, theo học giả Kovacevic, "Các tài liệu cho thấy sự lãnh đạo của Josip Broz Tito, Nam Tư xây dựng mối quan hệ mở với phương Tây và phương Đông nhưng chỉ trong chừng mực hạn chế nào đó, chứ không hoàn toàn dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào".
Các tài liệu của CIA cũng cho thấy chương trình hạt nhân của Nam Tư đã có những bước tiến quan trọng trong khoảng thời gian giữa những năm 1950 và năm 1970. Trong khi một phân tích năm 1958 kết luận rằng Nam Tư không có khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân, thì đến năm 1975 lại cho thấy những tiềm lực rất lớn trong lĩnh vực hạt nhân của Nam Tư cũng như những quyết tâm cụ thể của lãnh đạo nước này.
Thậm chí, trong một báo cáo khác, CIA đã kết luận Nam Tư có khả năng có được bom nguyên tử trong tay trước năm 1980 nếu nước này đầu tư tối đa vào chương trình nghiên cứu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
CIA giai ma: Nam Tu suyt che tao duoc bom nguyen tu-Hinh-2
 Nikita Khrushchev và Josip Broz Tito trong chuyến thăm Moscow của Tổng thống Nam Tư năm 1956. Ảnh: RIA.
Tuy nhiên, thiếu sót lớn nhất của Nam Tư lại là nước này không có bất cứ một loại tên lửa hay một quả bom nào có thể mang được đầu đạn hạt nhân và chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của Nam Tư, đáng lẽ ra đã thành công nếu không có sự giảm tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Tito với lý do sức khỏe vào cuối những năm 70.
Kovacevic cho rằng, giá như Tito khỏe thêm được vài năm nữa, giá như Nam Tư hoàn thiện được việc chế tạo bom nguyên tử thì có lẽ, quốc gia này đã không phải chịu một kết cục thảm khốc như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.
Mời độc giả xem video: Kết cục thảm khốc của Liên Bang Nam Tư năm 1991.
Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)