Việt Nam phản công và đánh bại Khmer Đỏ như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, quân và dân ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ ở biên giới phía Tây Nam.
 

Từ tháng 5-1975 đến 12-1978, quân Khmer Đỏ liên tục gây ra các vụ xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và huy động nhiều sư đoàn chủ lực tiến công vào sâu lãnh thổ nước ta, gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta.
Trước hành động gây chiến xâm lược mới của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho các lực lượng vũ trang ở phía Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn và đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ban đầu, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ tiến hành những đợt phản công nhỏ lẹ dọc biên giới để đánh đuổi quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên với việc sử dụng chiến thuật đánh du kích, các đơn vị của Khmer Đỏ luôn khôn khéo tránh đụng độ với quân chủ lực của ta mà chỉ tiến hành phá hoại ở những khu vực hẻo lánh, ít có quân đội và biên phòng Việt Nam canh gác.
Trước mối nguy hại ngay sát cạnh biên giới và những tội ác diệt chủng không thể tha thứ với cả người dân Việt Nam, ngày 23/12/1978 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc phản công tổng lực trên toàn tuyến biên giới tây nam giữa Việt Nam – Campuchia để giáng đòn chí mạng vào tập đoàn  tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary.
Viet Nam phan cong va danh bai Khmer Do nhu the nao?
 Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Getty Images.
Chỉ trong vòng một tuần kể từ ngày 25/12/1978 cho tới ngày 2/1/1979, Quân đội Nhân dân Việt Nam với sức mạnh như vũ bão đã đánh tan các sư đoàn chủ lực của quân đội Khmer Đỏ án ngữ tại trục đường số 1, số 7 và số 2. Tới ngày 3/1/1979, Sư đoàn 7 của ta chiếm được cầu Don So và tới ngày 4/1 đã làm chủ toàn bộ vùng phía Đông Sông Mekong. Lối vào Phnom Penh đã mở rộng thênh thang cho quân đội Việt Nam.
Ý đồ hiểm độc của Khmer Đỏ
Trên thực tế Khmer Đỏ cho rằng, phía Việt Nam thứ nhất sẽ không định tấn công tổng lực vào Campuchia và nếu có thì cũng chỉ đánh tới bờ Đông sông Mekong chứ không tiến sâu hơn.
Bờ đông sông Mekong có địa hình chủ yếu là đầm lầy và rừng rậm với khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Nếu lực lượng của ta chỉ chiếm tới khu vực này thì sẽ rất dễ bị “sa lầy” vào cuộc chiến Campuchia. Nhất là vào mùa mưa, địa hình địa vật ở bờ đông sông Mekong trở nên khắc nghiệt và hung dữ một cách kỳ lạ, đủ các loại bệnh tật cùng môi trường khí hậu nóng ẩm sẽ bẻ gẫy sức chiến đấu của mọi đội quân thiện chiến nhất.
Viet Nam phan cong va danh bai Khmer Do nhu the nao?-Hinh-2
Quân tình nguyện Việt Nam tại một chốt cao điểm trên chiến trường Campuchia. Ảnh:Tư liệu.
Chưa kể, địa hình đầm lầy và rừng rậm ở bờ đông sông Mekong lại cực kỳ thích hợp với lối đánh du kích được quân đội Khmer Đỏ triển khai một cách rộng rãi và với địa hình bị chia cắt mạnh ở khu vực này, sẽ là cực kỳ khó khăn nếu chúng ta tiến hành các đợt phản công quy mô lớn với quân số đông, đấy là chưa tính tới vấn đề hậu cần.
Bẻ gẫy ý đồ của đối phương
Hiểu được ý đồ của địch, Quân đội ta đã quyết định “đánh rắn đánh dập đầu” và phải nhổ cỏ tận rễ đội quân của Khmer Đỏ, vừa là để phòng ngừa mối nguy hiểm tiềm tàng cho Việt Nam, vừa là để giải phóng người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Viet Nam phan cong va danh bai Khmer Do nhu the nao?-Hinh-3
 Lối đánh du kích của đối phương đã gây thiệt hại không nhỏ cho quân đội ta dù ta biết rõ cách khắc chế lối đánh này. Ảnh: Tư liệu.
Ngày 6/1/1979, các đơn vị đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam vượt sông Mekong. Sử dụng tổng cộng 9 sư đoàn với quân số lên tới gần 100.000 quân, quân đội ta chia làm hai gọng kìm tiến vào Phnom Penh từ phía Đông Nam và Bắc.
Dù bất ngờ trước quyết định táo bạo vượt sông Mekong của ta nhưng phía Khmer Đỏ cũng đã có phòng ngừa trước và phản công dữ dội nhưng với hoả lực dữ dội, các tiểu đoàn cơ giới và thiết giáp của ta vẫn vượt sông thành công, toả ra các hướng đánh bật quân Khmer Đỏ ở bờ Tây sông Mekong.
Trước sức tiến công nhanh như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam và biết rằng không thể xoay chuyển được tình hình, bộ máy lãnh đạo của Khmer Đỏ đã rút chạy nhanh chóng khỏi Phnom Penh. Việc bộ máy lãnh đạo của Khmer Đỏ rút chạy dẫn đến tình hình hỗn loạn ở Phnom Penh khi các đơn vị phòng thủ, các cụm hoả lực bị bỏ mặc không còn nhận được lệnh chỉ huy dẫn tới việc Phnom Penh nhanh chóng được quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng.
Viet Nam phan cong va danh bai Khmer Do nhu the nao?-Hinh-4
 Trưa 7/1/1979, quân đội Cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Ảnh: TTXVN.
Tới cuối tháng 1/1979, về cơ bản cuộc phản công của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi. Thị xã cuối cùng của Campuchia được “Đội quân nhà Phật” giải phóng vào ngày 17/1/1979. Tổng cộng trong thời gian diễn ra chiến dịch kéo dài chưa đầy một tháng, quân đội ta đã đập tan 18 sư đoàn Khmer Đỏ, tiêu diệt 12.000 tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và ước tính khiến hàng chục vạn quân Khmer Đỏ khác phải bung khí giới đào ngũ. Chúng ta cũng giải phóng được 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật phương tiện quân sự, dân sự để bàn giao cho chính quyền mới cũng như đập tan hoàn toàn bộ máy chính trị của Khmer Đỏ từ cấp trung ương tới cấp thấp nhất.

Mời độc giả xem Video: Tội ác của Khmer Đỏ trên vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)