Sống lại Tết xưa: Cuối năm tắm lá mùi già

Google News

(Kiến Thức) - Sáng sớm dạo chợ hoa Quảng Bá, đi qua một bà cụ móm mém với bó mùi già, mùi thơm phảng phất như thể từ quá khứ.

Mình cũng chẳng nhớ đó là năm nào nữa. Khi đó mình mấy tuổi? Nhà mình có mai có đào có thược dược không? Mình chỉ nhớ cảm giác bước vào nhà tắm đầy hương, khói bốc lên, khi bước ra hương thơm vẫn còn đọng lại, vương vấn thấm vào da thịt, bay ra cả gian nhà nhỏ.

 Mùi hương bốc lên, ngào ngạt, vương vấn. (Ảnh: ven)

Kể ra cành mùi già cũng thật lạ. Lá xanh đậm xanh nhạt, hoa trắng tím như màu khói, chi chít những trái mùi bé xíu, không có gì nổi bật giữa chợ nhiều hoa sặc sỡ. Nhưng thử đi qua mà xem, bạn sẽ phải quay lại, tay bạn muốn cầm bó mùi lên, hít hà cái mùi đặc biệt không biết tả như thế nào của nó, muốn ngắt một cành hoa vân vê trên tay. Dù không mua bó nào, mùi hương vẫn ở trên từng ngón tay bạn. Vấn vương, ngào ngạt, nhưng thầm kín.

Thích lắm nhé, cái cảm giác của những sát Tết. Sắp xếp lại hết tủ sách vở, quần áo, lấy chổi quét hết rác và bụi bẩn trong nhà, rửa sạch hết cốc chén khay dĩa, từ từ từng thứ một, lúc đầu là bừa bộn, sau sẽ là hanh thông sạch sẽ.

Quét dọn xong, mệt phờ, nhưng chỉ ngồi nghỉ một lát thôi, rồi sẽ chạy ngay đi (không thể dừng lại được) cắm một bình lay ơn đỏ rực rỡ hay một bình cúc đại đóa vàng tươi như ánh mặt trời. Đó chính là cảm giác được tươi mới, được tái sinh, quá khứ khép lại và tương lai mở ra, nắng đẹp ngập trời và mùa xuân tới.

Chiều 30 Tết, nhà đã dọn sạch, hoa đã cắm, bánh chưng đã nấu xong, mẹ lấy một chiếc chậu nhôm to được cọ sạch sẽ đặt lên nồi nước bốc khói, đổ nước lạnh, vo bó mùi già vào, đậy một chiếc vung lên. Lửa đỏ rực chẳng mấy chốc là sôi, là thơm, là múc ra, bưng vào nhà tắm.

Mãi sau này, mình mới biết, tắm mùi già chiều cuối năm là một phong tục, một thứ lễ nghi của người Việt, không biết có tự bao giờ. Người ta nói tắm nước mùi già là “tẩy trần” cơ thể mình, rửa sạch đi những nỗi buồn đau năm cũ, sẵn sàng cho một năm mới hanh thông thuận lợi. Còn lúc bé, chỉ biết được mẹ nấu nước cho tắm thì rất sướng, rất thơm, cảm giác đơn giản là sảng khoái. 

 Mua mùi già trên phố. (Ảnh: Phunuonline)
Mình giờ lớn rồi, đã lấy chồng, có một cô nhóc nhỏ xinh, cũng có thể nói là đã từng đau khổ vật vã, đã lê lết bước đi trong gió bão của cuộc đời. Những lúc cơ thể rệu rã trong cuộc mưu sinh cơm tiền áo gạo, nhiều lúc tinh thần xuống dốc như thể chả còn gì có thể cứu vãn, điều mình mong muốn nhất là có một chiếc chậu gỗ, nấu một nồi nước thơm, sả bưởi, đinh hương đủ cả, nằm ngâm trong đó, lâng lâng. 

Mệt mỏi tan biến, nỗi buồn bay đi, bắt đầu thấy mình vẫn còn sung sướng, hạnh phúc lắm, mình vẫn được đi làm, vẫn kiếm được tiền nuôi con dù nhiều dù ít, mình vẫn khỏe mạnh để ra đường phố đi bộ, mình vẫn được yêu thương để tìm đến ai đó khi chồn chân mỏi gối, và mình cũng thương mình đủ để ra chợ, mua lá, nấu một nồi nước thơm.

Thuở xưa, lúc nhỏ, an nhiên tận hưởng nồi nước mẹ nấu, múc ra, bưng chậu, chuẩn bị quần áo tắm cho, sướng lắm. Bây giờ, nếu không có người yêu, bạn đời, thì ta chỉ có thể tự làm điều đó cho bản thân mình. Đó là cảm giác rũ bay đi nỗi đau, chăm sóc cơ thể quý giá và những gì tinh tế của tâm hồn, để tái sinh, và sống một cuộc sống khác.

Mà cũng đơn giản thôi, sao chẳng mấy ai chịu làm những điều nhỏ bé mà khiến chính ta hạnh phúc. Ta đã quen với việc chỉ cần một cái đẩy tay, bình nóng lạnh sẽ nóng lên trong 15 phút, mở vòi hoa sen, khỏi cần ra chợ bán buôn, nấu nâu bưng bưng lích kích.

Bây giờ, nếu muốn, chẳng khó khăn gì để bạn chạy xe ra đường, mua ngay một mớ mùi già, chắc chỉ khoảng 10 nghìn là đủ tắm. Bật bếp gas lên là xong, chứ đâu cần nhóm củi thổi phù phù, khói mù mịt như thưở nhỏ. Bưng vào phòng tắm và tận hưởng thôi.

Hướng Dương

Bình luận(0)