Học sinh bị nghi trộm tiền: Tự trọng chứ đừng tự tử!

Google News

(Kiến Thức) - Những đứa trẻ quá nhạy cảm dễ có xu hướng phản ứng tiêu cực trước những sự nghi ngờ, làm nhục, hàm oan vốn dĩ không thể tránh khỏi trong quá trình lớn lên của trẻ

Nói dối, tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sáng là hai cách ứng xử của học sinh trước tình huống bị nghi ngờ lấy trộm tiền trong các vụ việc gần đây. Theo chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ quá nhạy cảm dễ có xu hướng phản ứng tiêu cực trước những sự nghi ngờ, làm nhục, hàm oan vốn dĩ không thể tránh khỏi trong quá trình lớn lên của trẻ.

Tự tử để chứng minh lòng tự trọng

Chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 10 đến tháng 12/2012, trước sự kiện học sinh lớp 2 bị giao công an vì cô giáo nghi lấy trộm tiền, đã có 3 vụ học sinh tự tử vì lý do tương tự. 

Đầu tháng 12, em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Bình Nhì 1, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Bị nghi ngờ lấy 500 nghìn của một cô giáo trong trường, về nhà lại bị mẹ trách mắng, cô bé tiểu học đã vội vã tìm đến cái chết. Nhưng T. vẫn còn may mắn khi đã được gia đình phát hiện kịp thời và cứu sống.

Trước đó, ngày 21/10, cái chết của em Nguyễn Thị L. - lớp trưởng lớp 10A10, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) khiến gia đình và nhà trường bàng hoàng, đau đớn. Vì trót làm mất 500 nghìn quỹ lớp, sợ mọi người xì xào đổ oan cho mình lấy trộm, L đã uống thuốc trừ cỏ để quyên sinh. Gia đình phát hiện ra đưa em đến bệnh viện thì đã quá muộn, thuốc độc ngấm quá lâu vào cơ thể đã cướp đi sự sống của người học sinh vừa ngoan vừa giỏi. 

Trong lá thư để lại cho thầy cô giáo, ngoài những lời tâm sự buồn vì phải xa thầy xa bạn, cô bé nói rằng mình buộc phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch: “Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch.

 Bức thư của Nguyễn Thị L. gửi thầy cô và bạn bè trước khi tìm đến cái chết (Ảnh: VNN)

Cũng vì mất tiền quỹ lớp, ngày 13/10, em Nguyễn Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã quyết định ra đi mãi mãi. Bị cô giáo la vì mất hơn 600 nghìn tiền quỹ nhưng vì nghĩ gia đình nghèo khó, Tú không dám nói với mẹ, nghĩ quẩn rồi mua thuốc diệt cỏ về uống. 

Bên di ảnh con gái út, bố mẹ em gạt nước mắt, ước ao: Giá như lúc đó Tú nói với gia đình, cô chủ nhiệm cho phụ huynh biết chuyện, thì Tú đã không nghỉ quẫn như vậy. 

Khi con quá nhạy cảm: Làm sao để tự bảo vệ mình?

Trao đổi với PV Kienthuc, chuyên viên tâm lý Thủy Hương cho rằng những học sinh vội vã tìm đến cái chết khi bị nghi oan có thể nằm trong nhóm trẻ em quá nhạy cảm.

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy khoảng 15-20% trẻ em nhạy cảm quá so với các bạn còn lại. Một đứa trẻ được cho là quá nhạy cảm khi chúng quan trọng hóa vấn đề, cầu kỳ, kỹ tính, tâm trạng dễ lên xuống không ngừng… 

Bởi bản tính như vậy, những đứa trẻ này dễ tự ái, mủi lòng, giận dỗi, mau nước mắt và xem việc bị phê bình là hết sức nghiêm trọng...

“Vấn đề khó khăn với các trẻ này là chúng không biết làm sao để đáp ứng với các tình huống bị bẽ mặt, làm nhục, hàm oan, trêu chọc và những lời bình luận mang tính chỉ trích, dù vô lý hoặc vô căn cứ... Thay vì cứ lờ đi và bỏ qua thì chúng lại cảm thấy đau đớn, tổn thương nặng nề, thậm chí hoảng loạn đến mức lập tức tìm đến cái chết.” 

Chuyên gia tâm lý này cho rằng điều quan trọng nhất bố mẹ có thể làm cho đứa con quá nhạy cảm của mình là trước hết, chấp nhận tính tình tự nhiên rồi giúp con học hỏi cách thức để kiểm soát các phản ứng của bản thân. 

Thay vì xem sự nhạy cảm của con như một điểm yếu, bố mẹ nên coi đó là sức mạnh, ưu thế của trẻ: năng lực mạnh mẽ trong việc thấu cảm những cảm xúc của người khác. Hãy dạy con kỹ năng đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận những tình cảm của họ: “Ngay lúc con cảm thấy khó chịu hoặc sắp bật khóc, con hãy tự hỏi xem người khác đang nghĩ gì vậy? Họ đang cảm thấy ra sao…?”

Chuyên viên tâm lý Thủy Hương cho rằng việc luyện tập thường xuyên kỹ thuật "nghĩ về người khác" đơn giản này có thể giúp trẻ nhìn nhận sự việc một cách toàn diện hơn, thậm chí nhận ra rằng mình đã phản ứng thái quá hoặc hiểu nhầm, diễn giải sai lầm ý của người khác, từ đó biết cách quản lý hiệu quả cảm xúc của bản thân.

Việc bố mẹ coi sự nhạy cảm của con là một món quà tặng, tập trung vào những lợi thế, sức mạnh của con, kết nối, hỗ trợ khi con cần giúp đỡ… sẽ khiến những đứa trẻ nhạy cảm tăng cường sự tự tin, hiểu rõ giá trị của bản thân và biết cách ứng xử tích cực trước những tình huống không mong muốn trong cuộc sống. 

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU



Hướng Dương

Bình luận(0)