Vụ nhà báo Ả Rập Saudi Khashoggi mất tích: Hậu quả lan rộng

Google News

Vụ nhà báo người Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi đột ngột biến mất và có thể đã bị sát hại đang phủ bóng lên hình ảnh toàn cầu của Riyadh.

Nếu chính phủ nước này quả thật làm thế, sự việc sẽ tác động nhiều đến tình hình chính trị Trung Đông.
Là người chỉ trích Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và đang sống lưu vong, ông Khashoggi biến mất sau khi vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-10.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông đã bị giết và thi thể được đưa khỏi tòa nhà này. Nếu cáo buộc của Ankara chính xác, vụ việc sẽ khơi mào những chỉ trích mới nhằm vào Thái tử Mohammed, người từng phát động chiến dịch trấn áp phe chống đối kể từ khi trở thành người thừa kế ngai vàng hồi tháng 6-2017.
Vu nha bao A Rap Saudi Khashoggi mat tich: Hau qua lan rong
Ông Jamal Khashoggi tại một sự kiện ở London - Anh hôm 29-9. Ảnh: REUTERS
Với Iran, đây là dịp để nước này có thêm "vũ khí" trong cuộc đối đầu với Ả Rập Saudi. Sau vụ việc, giới lãnh đạo Riyadh càng gặp khó khăn hơn trong việc mô tả Iran là quốc gia "phản diện" hàng đầu khu vực.
Một vụ phạm tội như vậy còn gia tăng áp lực quốc tế lên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lâu nay ủng hộ thái tử trẻ thực thi cái gọi là những chương trình cải cách của mình. Vụ việc sẽ khiến Washington trả giá chính trị nhiều hơn cho sự ủng hộ dành cho Riyadh.
Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Qatar cũng chịu ảnh hưởng. Doha đang là mục tiêu của cuộc tẩy chay về thương mại và ngoại giao do Riyadh đứng đầu kể từ tháng 6-2017 vì bị cáo buộc ủng hộ khủng bố. Nước này giờ đây có cơ hội hiếm hoi để nêu bật sự khinh suất của chính sách đối ngoại đang được Thái tử Mohammed theo đuổi. Đáng chú ý hơn là ông Khashoggi biến mất ở Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Qatar và nước này có thể thúc đẩy Ankara trừng phạt Riyadh.
Số phận của ông Khashoggi có thể không bao giờ có lời giải nhưng Thái tử Mohammed sẽ phải đối mặt với những hậu quả ở trong và ngoài Trung Đông nếu Riyadh quả thật có liên quan đến vụ việc.
Maysam Behravesh, Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Trường ĐH Lund (Thụy Điển)
Theo PV / Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)