Thử thách khắc nghiệt đối với ông Tập Cận Bình

Google News

(Kiến Thức) - Vào dịp quốc hội nhóm họp trong tháng 3/2013, Trung Quốc sẽ khởi động một cuộc cải cách hành chính lớn nhất kể từ năm 1998.

 Liệu ông Tập Cận Bình có ra khỏi cái bóng của hai bậc tiền bối là Giang Trạch Dân (phải) và Hồ Cẩm Đào? 

Khi đó, số lượng của các bộ và các cơ quan ngang bộ đã giảm từ 70 xuống còn 44. Theo dự kiến, con số 44 này sẽ giảm xuống còn một nửa và phạm vi quyền hạn của từng bộ sẽ được phân định lại.

Theo Asia Time Online, hiện chưa rõ chi tiết, nhưng có dấu hiệu cho thấy kịch bản sau đây có thể xảy ra.

Sau 15 năm đấu tranh để không bị sáp nhập vào Bộ Giao thông vận tải, Bộ Đường sắt sẽ được bãi bỏ, trong khi các Bộ Nội vụ, Lao động và có lẽ cả Y tế sẽ được sáp nhập thành một. Bộ An ninh Quốc gia đầy quyền lực, một phiên bản Trung Quốc của KGB của Liên Xô, sẽ bị xuống cấp, ít nhất về khía cạnh chính thức. Bộ Môi trường dự kiến sẽ được mở rộng quyền hạn, nhờ vào nhiều năm hợp tác với nước ngoài. Nhiều khả năng, Viện Hàn lâm Khoa học và Học viện Khoa học Xã hội sẽ được hợp nhất.

Ủy ban Kinh tế và Cải cách đầy quyền lực, một thứ siêu bộ về kinh tế và công nghiệp, có thể bị giải tán và trở lại cương vị một ủy ban cải cách ngang bộ, với các nhiệm vụ trong đó có chuyển dịch cơ cấu hành chính nhà nước.

Ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc), hiện được đặt dưới sự giám  sát của một Phó Thủ tướng, có thể được trao thêm quyền hạn lớn hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế, công cuộc tái cơ cấu - được công bố cuối của  phiên họp toàn thể của Quốc hội Trung Quốc (NPC) vào giữa tháng ba - sẽ một đòn mạnh giáng vào bộ máy hành chính quan liêu bao cấp, khi số bộ và các  cơ quan ngang bộ bị giảm xuống còn một nửa.

Cách đây 15 năm, Trung Quốc cũng đã cắt giảm bộ máy quan liêu dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Kể từ đó đến nay, thời thế đã thay đổi. Mỹ và châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Châu Á đã trở thành đầu máy tăng trưởng trong những năm gần đây và các doanh nghiệp nhà nước “rủng rỉnh tiền bạc” do được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Xét về mặt lý thuyết, Trung Quốc không cần phải thay đổi bất cứ điều gì và có thể tiếp tục phát triển với công thức cũ.

Thế nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thấy có nhiều vấn đề trong hệ thống hiện hành và muốn tránh “bong bóng kém hiệu quả” có thể phình to và vỡ tung sau 5 năm hoặc 10 năm tới. Các doanh nghiệp nhà nước đang thao túng thị trường, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Nhiều bộ không có ranh giới quyền hạn rõ ràng, đôi khi còn chồng chéo lên nhau, làm gia tăng tình trạng quan liêu và lãng phí thời gian, tiền bạc.

Công cuộc cải cách hành chính sắp tới chính là một thử thách to lớn đối với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc và là thách thức lớn hơn nhiều so với quá khứ, khi các biện pháp cải cách “phụ thuộc” vào môi trường bên ngoài.

Cải cách hành chính sắp tới diễn ra vào thời điểm chuyển giao quyền lực. Vào cuối tháng ba, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ nhường chỗ cho hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Chỉ có điều quá trình chuyển giao này rất khác so với năm 1998. Khi đó, ông Giang Trạch Dân có điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy cải cách và củng cố quyền lực của mình. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997 và hầu hết các “đồng chí trung kiên” của ông cũng rời khỏi sân khấu chính trị.

Trong các bài phát biểu gần đây, ông Tập Cận Bình xem ra quyết tâm xây dựng "Giấc mơ Trung Quốc". Đó là một Trung Quốc thịnh vượng phát triển và mang lại hòa bình cho thế giới, như nhà lý luận Zheng Bijian giải thích trong các bài phát biểu gần đây.

Để xây dựng “Giấc mơ Trung Quốc”, TBT Tập Cận Bình cần phải rất quyết tâm bởi vì “các nhóm lợi ích” chống cải cách vẫn còn rất mạnh. Tuy Bạc Hy Lai - một trong những đại diện của lực lượng bảo thủ ở Trung Quốc - đã “thân bại, danh liệt”, nhưng ông này vẫn nhiều người ủng hộ trong các bộ, ngành và trong các doanh nghiệp nhà nước giàu tiền mặt.

Hôm Thứ Năm (10/1), Tân Hoa Xã thông báo rằng vụ cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai “đã được chuyển giao cho các cơ quan tư pháp”. Do đó, vụ xét xử ông này có thể được tiến hành trong tháng Hai,  trước khi khai mạc khóa họp của Quốc hội Trung Quốc (NPC).

Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai có thể là một sự cảnh báo nghiêm khắc các phần tử phản đối cải cách rằng vận mệnh của họ có thể bị đe dọa, nếu tiếp tục bám lấy chương trình nghị sự cũ của họ Bạc.

Phiên tòa này cho thấy hành động cân bằng tinh tế giữa hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, trong khi hai ông này đang làm việc rõ ràng chặt chẽ với nhau để định hướng chính trị Trung Quốc trong 20 năm tới.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:





Lê Chân

Bình luận(0)