|
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái).
|
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Mỹ kiên quyết theo đuổi vấn đề này bất chấp Bắc Kinh không thích thảo luận về nó tại các hội nghị đa phương.
Theo đó, ông Kerry sẽ hối thúc các nước thành viên ASEAN tiếp tục nỗ lực “tăng cường sự gắn kết và thống nhất” để nâng cao vị thế của họ đối với Trung Quốc trong việc đàm phán để thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
Tổng thống Obama tuần trước buộc phải hủy bỏ chuyến thăm châu Á theo lịch trình đã định sẵn bởi bê bối chính phủ đóng cửa, làm dấy lên quan ngại từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nói về vấn đề này, Ngoại trưởng Kerry quả quyết: “Tôi đảm bảo rằng, những sự kiện đang diễn ra ở Washington chỉ là ở trong một thời điểm chính trị và không còn gì khác nữa”.
“Sự hợp tác của chúng tôi đối với các đối tác và đồng minh châu Á vẫn được duy trì như là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama. Cam kết tái cân bằng vẫn được duy trì và tiếp tục được duy trì trong tương lai”, ông Kerry nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ASEAN trong bài phát biểu khai mạc EAS.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo đưa tin, trong bài phát biểu với các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Abe thẳng thắn bày tỏ quan điểm nghiêng về nhóm các nước Đông Nam Á. Ông Abe nhấn mạnh: “Hiện, có các động thái nhằm mục đích thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở Biển Đông, ám chỉ sự gia tăng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố, tranh chấp Biển Đông là vấn đề đáng quan tâm đối với toàn bộ khu vực và Tokyo sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy giải quyết tranh chấp. Trong những tuyên bố cứng rắn, ông Abe nhấn mạnh, vấn đề lãnh thổ cần được giải quyết theo quy định của pháp luật quốc tế.
Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông.
Cả ông Kerry và ông Abe đều đang tham dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng như các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời gặp gỡ riêng với Thủ tướng Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Trung Quốc hiện từ chối thảo luận về vấn đề lãnh thổ với 10 nước thành viên ASEAN, chỉ muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các bên liên quan đến tranh chấp hòng giành được lợi thế trên bàn đàm phán. Bắc Kinh cũng tỏ ra khó chịu khi thấy Mỹ can thiệp vào vấn đề khu vực.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ vùng Biển Đông bất chấp sự phản đối của các quốc gia cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền trong khu vực bao gồm Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan.